Quốc vương Qatar và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AFP |
Cựu trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Hussein Hariedy bình luận rằng "các biện pháp này đã được đưa ra sau khi tất cả những nỗ lực hòa giải tại hội nghị thượng đỉnh thế giới Arập - Mỹ diễn ra trong tháng trước bị thất bại. Rõ ràng, Qatar không muốn thay đổi chính sách, dẫn tới việc các nước vùng Vịnh phải cắt mọi quan hệ với Doha".
Theo ông Hariedy, "những quyết định này sẽ giúp cô lập Qatar tại Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Liên đoàn Arab (AL)". Chắc chắn Qatar "sẽ phải trả giá đắt". Những biện pháp này sẽ không chỉ tăng cường cô lập đối với chính quyền Qatar, mà cũng có tác động mạnh tới người dân nước này vì "Qatar nhập khẩu hầu hết thực phẩm từ Saudi Arabia, quốc gia duy nhất có chung biên giới với Doha".
Tiến sĩ Mohammad Kamal, Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Cairo, bày tỏ sự hoan nghênh đối với quyết định cắt đứt quan hệ với Qatar, coi đây là "một biện pháp tốt" và là "sự khởi đầu trong việc cô lập Doha".
Ông Kamal cho rằng Qatar sẽ phải chấm dứt hợp tác, hỗ trợ, cung cấp tài chính cho các phần tử khủng bố trên lãnh thổ của mình đồng thời cũng phải xem xét lại mối quan hệ với Iran, vốn đi ngược lại chính sách của các nước vùng Vịnh khác. Ông nhấn mạnh, "hiện tại, quả bóng đang được đẩy về phía Qatar. Các nước vùng Vịnh và Ai Cập đang chờ đợi phản ứng và các biện pháp trả đũa của Doha", nhằm có cơ sở để đưa ra các quyết định tiếp theo.
Ngày 5/6, Yemen, chính phủ miền Đông Libya, Maldives đã theo bước Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc nước này ủng hộ tài chính và hỗ trợ các tổ chức khủng bố "nhằm mục đích làm mất ổn định khu vực". Tuy nhiên, Qatar đã bác bỏ cáo buộc này, cho rằng "đây là lời buộc tội không công bằng và thiếu căn cứ".