Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal tại một phiên tòa của Tòa án quân sự Moskva (Nga) năm 2006. Ảnh: AFP/TTXVN |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Điển Per Enerud xác nhận Đại sứ Nga đã được triệu đến cuộc gặp diễn ra tại trụ sở bộ này.
Trước đó, trong một tuyên bố ngày 17/3, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng nguồn gốc của cuộc tấn công này nhiều khả năng nhất là các quốc gia vẫn tiến hành các nghiên cứu về các chất trong chương trình "Novichok" kể từ cuối những năm 1990 cho đến nay. Tuyên bố nêu rõ các quốc gia bao gồm Anh, Slovakia, Cộng hòa Czech, Thụy Điển.
Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom đã ngay lập tức bác bỏ cáo buộc trên đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với Anh. Trong khi đó, giới chức CH Czech và Slovakia cũng bác bỏ cáo buộc này của Nga.
Chất độc thần kinh sử dụng trong vụ đầu độc trên được cho là Novichok sản xuất từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, giới chức Nga vẫn liên tục khẳng định nước này không có bất kỳ loại chất độc thần kinh nào trong kho vũ khí quân sự của mình, cũng như không có bất kỳ “lượng tích trữ nào”. Trong tuyên bố đầu tiên về vấn đề này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố: "Tất cả vũ khí hóa học của Nga đã được tiêu hủy dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế".
Moskva cũng kiên quyết bác bỏ các cáo buộc của Anh cho rằng Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal và con gái Yulia bằng chất độc thần kinh. Cuộc tranh cãi này đã khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước "rơi tự do" với việc Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố London đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga, rút lại lời mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới thăm Anh, đồng thời trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh. Nga cũng có biện pháp đáp trả khi tuyên bố trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, yêu cầu đóng cửa Văn phòng của Hội đồng Anh tại Nga cũng như Tổng lãnh sự quán Anh tại St. Petersburg.