Phát biểu trong một buổi họp báo, ông Rice nhấn mạnh: “Nếu tình hình leo thang hơn nữa, cái giá mà hai nước cũng như cả thế giới phải trả trong lĩnh vực kinh tế sẽ nhanh chóng tăng cao”. Theo ông Rice, hiện IMF vẫn đang đánh giá tác động từ các biện pháp áp thuế từ hai nước.
Cùng ngày 20/9, Viện nghiên cứu Ifo (Đức) cùng Viện Kinh tế KOF Thụy Sĩ và Viện Istat (Italy) công bố một báo cáo chung, trong đó nhận định chính sách thương mại của Mỹ có nguy cơ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với toàn bộ hệ thống thương mại quốc tế.
Báo cáo nêu rõ các chuyên gia nghiên cứu coi chính sách thương mại Mỹ đang theo đuổi là một “rủi ro". Theo báo cáo này, việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cũng là một nguy cơ tiềm tàng dẫn đến khủng hoảng tài chính rộng khắp tại các nền kinh tế mới nổi.
Trong báo cáo mang tiêu đề "Bất ổn gia tăng ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu" được công bố cùng ngày 20/9, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nguy cơ sụt giảm trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại gia tăng, xuất phát từ các chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ ảnh hưởng tới thương mại thế giới. OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức 3,7% trong năm 2018 và 2019, giảm lần lượt 0,1 và 0,2% so với dự báo hồi tháng 5 vừa qua. Ngoài ra, báo cáo của OECD cũng cảnh báo căng thẳng thương mại đang làm gia tăng bất ổn, đe dọa các nền kinh tế phát triển và mới nổi khi để lại những tác động tiêu cực tới đầu tư, việc làm và điều kiện sống trên toàn cầu.
Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ -Trung bị đẩy lên nấc thang mới khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Bắc Kinh sau đó cũng thông báo sẽ áp thuế đối với hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD, đồng thời đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến động thái trên.