Căng thẳng xung quanh hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 với Nga của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có nguy cơ hủy hoại mối quan hệ đối tác chiến lược kéo dài hàng thập kỷ với Mỹ và NATO.
Ankara quyết đoán với hợp đồng S-400
Tuần trước, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã viết một lá thư lịch sự và trang trọng cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, nội dung của nó lại không thân mật chút nào. Ông Shanahan viết rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thúc đẩy hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, thì việc Ankara tham gia chương trình tiêm kích đa nhiệm F-35 sẽ bị ngừng lại.
Chừng đó còn chưa đủ, bức thư cũng cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đối mặt với những hành động theo Đạo luật Trừng phạt Đối thủ của Mỹ, và các quyết định của Ankara sẽ “cản trở khả năng của chính họ trong tăng cường hoặc duy trì hợp tác với Mỹ và nội khối NATO”.
Đây là bức thư có lời lẽ gay gắt nhất được gửi từ Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1964, khi Tổng thống Lyndon B. Johnson viết thư cho Thủ tướng Ismet Inonu, cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không can thiệp vào cuộc khủng hoảng Síp (Cyprus) và nhấn mạnh những tổn thất mà một động thái như vậy sẽ gây ra cho NATO.
Trở lại năm 1964, vừa sốc và thất vọng, Ankara đã phải miễn cưỡng thực hiện các yêu cầu của Tổng thống Johnson. Tuy nhiên, lần này Tổng thống Erdogan đã từ chối yêu cầu của Washington và tuyên bố sẽ không thay đổi quan điểm trong thỏa thuận S-400 với Nga. Thậm chí có thông tin rằng khi nhận được hệ thống này, Thổ Nhĩ Kỳ có thể xoay hướng các tên lửa S-400 về phía đông Địa Trung Hải, một tư thế đe dọa Síp, trong bối cảnh hai quốc gia vẫn tranh chấp xung quanh hoạt động khoan khí đốt tự nhiên ngoài khơi. Ankara cũng đe dọa ngược lại rằng nếu bị loại khỏi chương trình F-35, họ có thể mua J-31 của Trung Quốc hoặc Su-57 của Nga thay thế.
Xem hệ thống tên lửa phòng S-400 được thử thành công tại Kamchatka, Nga (Nguồn: mil.ru)
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO từ năm 1952, sở hữu quân đội lớn thứ hai trong liên minh. Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong một khu vực địa chiến lược quan trọng, nhờ đó NATO được hưởng lợi từ việc sử dụng một số căn cứ tại nước này cũng như được hưởng sự hỗ trợ của quốc gia thành viên nằm bên bờ Biển Aegea và Biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tham gia vào các nhiệm vụ quan trọng của NATO như các sứ mạng ở Kosovo và Afghanistan.
Tuy nhiên, từ quan điểm của Mỹ, những đóng góp này có thể không còn đủ nữa. Vấn đề S-400 chỉ là một trong số những nghi ngại của Washington. Những nghi ngại này bao gồm lời đe doạ của Tổng thống Erdogan về “cái tát Ottoman” vào quân đội Mỹ ở Syria, nơi các vị trí của lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã bị Ankara để rò rỉ; việc Ankara bắt bớ và bỏ tù công dân Mỹ và nhân viên lãnh sự; việc Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu nhắm mắt làm ngơ mặc cho chiến binh nước ngoài tràn qua lãnh thổ vào Syria để gia nhập IS; vụ vệ sĩ của ông Erdogan tấn công người biểu tình mang cờ của một đảng chính trị người Kurd bên ngoài nhà riêng Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington D.C hai năm trước. Chưa hết, năm ngoái, một ngân hàng quốc doanh Thổ Nhĩ Kỳ bị phát hiện vi phạm Đạo luật trừng phạt Iran, và Ankara đã công khai đứng về phía kẻ thù của Mỹ, rồi gần đây nhất họ còn đứng về phía Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị trục xuất khỏi NATO không?
Sau những động thái trên, một số nhà bình luận đã lập luận rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên bị trục xuất khỏi NATO. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn để làm điều đó.
Không có chi tiết nào được viết trong qui định của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương liên quan đến việc trục xuất thành viên. Cũng không có tiền lệ về việc khai trừ một quốc gia thành viên. Một quốc gia có thể rời khỏi NATO dựa trên ý chí của chính mình. Điều 13 quy định rằng bất kỳ bên nào cũng có thể ngừng tư cách thành viên sau khi có thông báo.
Tuy nhiên, nếu các thành viên NATO hoàn toàn quyết tâm trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ, một hành động như vậy sẽ phải thông qua Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC), cơ quan ra quyết định cấp cao của Liên minh.
Nhưng các quyết định của NAC lại phải được tất cả 29 quốc gia thành viên nhất trí. Trong trường hợp không thể xảy ra là tất cả các thành viên NATO đồng tình rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên bị trục xuất, thì tất cả những gì Ankara phải làm là sử dụng quyền phủ quyết của mình.
Nhưng không có lý do gì để cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn rời khỏi Liên minh. NATO cung cấp cho quốc gia này một “chiếc ô” chiến lược, một liên minh dự phòng, trong trường hợp gặp rắc rối với các nước láng giềng bị phương Tây coi là "mối đe dọa" như Iran và Nga. Tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là trung tâm của các mối quan hệ an ninh giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU. NATO còn cung cấp cho Ankara thông tin và trao đổi tình báo, cũng như cơ hội tham gia các cuộc tập trận và huấn luyện quân sự chung.
Kịch bản duy nhất khi quyền phủ quyết của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị bỏ qua là trường hợp xảy ra một cuộc tấn công trực tiếp và có chủ ý của Ankara vào một quốc gia thành viên NATO khác. Một hành động như vậy có thể kích hoạt Điều 5, trong đó tuyên bố rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên khác sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả liên minh. Nhưng kịch bản này là hầu như không thể xảy ra.
Nói tóm lại, theo tờ The National, Thổ Nhĩ Kỳ không thể và sẽ không chính thức bị trục xuất khỏi NATO. Tuy nhiên, khi họ nhận S-400 của Nga, không còn nghi ngờ gì nữa, Ankara sẽ ngày càng bị cô lập tại các cơ quan dân sự và quân sự của NATO. Ở một mức độ nào đó, điều này đã xảy ra. Tháng trước, có thông tin rằng các nhân viên quân sự và dân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã không được mời tham dự các cuộc họp quan trọng về phòng không và tình báo của khối. Trong tương lai, những sự loại trừ như vậy có thể sẽ trở nên thường xuyên hơn.
Mỹ và các thành viên NATO khác sẽ từ từ giảm sự phụ thuộc vào các căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời gia tăng sự hiện diện và cơ sở hạ tầng ở các quốc gia khác, như Hy Lạp, Síp, Jordan, hoặc cả ở khu vực người Kurd Iraq - trong một kịch bản ác mộng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong các hoạt động của NATO cũng sẽ không được khuyến khích, và khi NATO lên kế hoạch cũng như chuẩn bị các chiến lược và chiến thuật trong tương lai, lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ bị lờ đi hoặc gạt ra bên lề.
Nếu mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, thành viên quan trọng nhất của NATO, tiếp tục quỹ đạo căng thẳng hiện tại, Ankara sẽ thấy mình chỉ còn mang một cái tên thành viên NATO - một diễn biến đáng thất vọng cho liên minh quân sự có lịch sử 67 năm tuổi này.