Cập nhật về Mô hình Rủi ro địa chấn quốc gia của New Zealand (NSHM) cho thấy nguy cơ rung lắc tăng hơn tới 50%. Do đó, New Zealand cần tăng cường các chiến lược quốc gia về khả năng chống chịu và sẵn sàng ứng phó trong trường hợp động đất xảy ra.
Là một phần quan trọng trong công cụ giúp đánh giá quy mô rủi ro của New Zealand, NSHM có khả năng tính toán nguy cơ xảy ra và cường độ rung lắc của động đất tại bất kỳ địa phương nào của nước này, đồng thời chỉ ra cách thức ứng phó của từng địa phương cụ thể khi xảy ra động đất mạnh.
NSHM đã kết hợp kết quả nghiên cứu quốc tế gần đây nhất, cùng với dữ liệu và kiến thức được rút ra sau các trận đông đất lớn của New Zealand trong 20 năm qua, bao gồm trận động đất tại Canterbury năm 2011 và các trận động đất tại Kaikoura năm 2016. Trên 50 nhà khoa học New Zealand và quốc tế đã cùng tham gia điều chỉnh mô hình tính toán của NSHM.
Trưởng nhóm dự án nghiên cứu Matt Gerstenberger đã khẳng định tầm quan trọng của việc cập nhật kiến thức về rủi ro địa chấn mà New Zealand đang đối mặt, từ đó giúp kiểm soát các nguy cơ từ động đất đối với người dân, tài sản và môi trường.
Theo các nhà nghiên cứu, việc tính toán chính xác hơn sẽ cho phép nhiều ngành sử dụng mô hình này để đánh giá tác động của rủi ro đối với các địa phương, đưa ra quyết định và hành động nhằm giảm thiểu rủi ro. Do đặc điểm địa lý và địa chất tại từng địa phương, tần suất và các loại động đất có thể xảy ra, các rủi ro liên quan động đất trên khắp New Zealand lại có sự khác biệt theo từng địa điểm.
Tuy nhiên, chuyên gia Gerstenberger cho rằng nguy cơ gia tăng không nhất thiết sẽ gây hậu quả lớn hơn, vì tác động lên xã hội bao gồm nhiều yếu tố khác không phải là một phần của mô hình khoa học, chẳng hạn như các khía cạnh xây dựng và thiết kế về cấu trúc.
NSHM của New Zealand lần đầu tiên được phát triển trong những năm 1980 và được cập nhật gần nhất vào năm 2010.