Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong thông báo mới nhất tối 28/4, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của nước này cho biết tỷ lệ lây nhiễm từ một bệnh nhân sang người khác ở Đức đã giảm xuống 0,9 sau khi tăng lên 1,0 một ngày trước đó. Tuy nhiên, RKI vẫn kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách và phòng ngừa không để tỷ lệ lây nhiễm tăng trên 1,0, có nghĩa một bệnh nhân sẽ lây nhiễm cho một người khác.
Theo Chủ tịch RKI Lothar Wieler, nếu không thể suy trì tỷ lệ dưới 1, mức tăng theo cấp số nhân ban đầu sẽ tiếp tục diễn ra và điều này có nguy cơ phá hỏng những thành quả đạt được trong kiềm chế dịch bệnh tới nay. Ông kêu gọi mọi người tiếp tục hạn chế đi ra ngoài, tuân thủ các hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 m và nên đeo khẩu trang để bảo vệ mũi, miệng.
Trong khi đó, Thủ hiến bang Bayern, ông Markus Söder đã kêu gọi liên bang và các bang thận trọng trong việc nới lỏng giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng số ca lây nhiễm mới.
Phát biểu sau cuộc họp "nội các" bang Bayern ngày 28/4, ông Söder nhấn mạnh tỷ lệ lây nhiễm vẫn cao cho thấy những nguy cơ khi việc thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội không có một kế hoạch cụ thể. Theo Thủ hiến Bayern, thận trọng phải tiếp tục được xem là điều quan trọng nhất với mọi hành động trong khủng hoảng. Hiện tỷ lệ lây nhiễm từ một người bệnh cho người khác ở bang Bayern là 1,0, cao hơn mức trung bình trên toàn nước Đức. Bang Bayern đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại cho tới ngày 10/5 tới. Tuy nhiên, từ ngày 4/5, bang miền Nam nước Đức này cũng sẽ tiến hành nới lỏng một số hạn chế, trong đó cho phép việc hành lễ tôn giáo và tụ họp dưới 50 người.
Cùng với Đức, nhiều nước châu Âu khác cũng đã công bố kế hoạch dần gỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez cho biết nước này sẽ trải qua 4 giai đoạn nới lỏng phong tỏa từ ngày 11/5 đến hết tháng 6/2020. Mỗi giai đoạn được thực hiện trong 2 tuần, sau đó sẽ có đánh giá căn cứ trên tình hình thực tế để triển khai các giai đoạn tiếp theo. Ở gian đoạn 1, các cửa hàng nhỏ, khách sạn, nhà hàng và địa chỉ tôn giáo sẽ được mở cửa song vẫn đảm bảo các quy định giãn cách xã hội. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, từ ngày 14/3, Tây Ban Nha đã triển khai một loạt các biện pháp phong tỏa được đánh giá ngặt nghèo nhất thế giới. Hiện quốc gia châu Âu này đứng thứ 3 thế giới về số ca tử vong do đại dịch COVID-19, sau Mỹ và Italy.
Cũng trong tối 28/4, Hạ viện Pháp đã thông qua kế hoạch của chính phủ nước này về dỡ bỏ dần các biện pháp phong tỏa từ ngày 11/5. Nhằm đảm bảo khôi phục hoạt động kinh tế tránh để dịch bệnh tái bùng phát, Chính phủ Pháp cam kết đảm bảo cung ứng đủ khẩu trang cho toàn bộ người dân nước này và tiến hành xét nghiệm trên diện rộng đạt hiệu suất ít nhất 700.000 ca/tuần, cũng từ ngày 11/5.
Trong khi đó, Áo và Hy Lạp cũng lần lượt công bố kế hoạch gỡ bỏ các biện pháp hạn chế trong thời kỳ dịch bệnh. Theo đó, từ đêm 30/4, Áo gỡ bỏ các hạn chế, song người dân cần đảm bảo giãn cách xã hội, duy trì khoảng cách tối thiểu 1m với người khác. Việc nới lỏng các hạn chế sẽ được thực thi tại Hy Lạp từ ngày 4/5 có sự giám sát, đánh giá hằng ngày.
Còn tại Ireland, chính phủ nước này đánh giá số ca nhiễm thống kế hằng ngày tại nước này vẫn ở mức đáng quan ngại, do đó, quốc gia châu Âu này khó có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế vào ngày 5/5 - thời điểm các biện pháp hạn chế áp dụng từ ngày 27/3 sẽ hết hạn. Theo số liệu của Bộ Y tế Ireland, nước này ghi nhận tổng cộng 19.877 ca dương tính SARS-CoV-2 và 1.159 ca tử vong.