Tại nhà thờ St. Anthony, một trong các địa điểm bị đánh bom hôm 21/4, các binh sĩ được tăng cường triển khai trong ngày 26/4. Các cửa hiệu gần đó vẫn đóng cửa.
Nhà chức trách khuyến cáo người Hồi giáo nên cầu nguyện ở nhà hơn là đến các điểm cầu nguyện chung trong lễ cầu nguyện ngày Thứ Sáu - lễ cầu nguyện quan trọng nhất trong tuần của người Hồi giáo.
Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Colombo ngày 25/4 đã khuyến cáo công dân nước này tránh những địa điểm cầu nguyện ở Sri Lanka vào cuối tuần, sau khi Sri Lanka công bố báo cáo cho rằng có thể xảy ra các cuộc tấn công vào thời điểm này.
Đại sứ quán Mỹ tại Colombo khuyến cáo "cần duy trì cảnh giác và tránh các đám đông".
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết có ít nhất 4 công dân nước này đã thiệt mạng và nhiều người bị thương rất nặng trong loạt vụ đánh bom khủng bố trong ngày lễ Phục sinh vừa qua tại Sri Lanka. Theo tờ Washington Post, Mỹ đã cam kết cử các nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tới hỗ trợ cảnh sát Sri Lanka điều tra vụ việc.
Cũng trong ngày 25/4, Bộ Ngoại giao Anh cũng khuyến cáo công dân nước này không nên đến Sri Lanka trừ trường hợp cần thiết. Bộ trên nêu rõ khuyến cáo được đưa ra căn cứ những diễn biến an ninh sau loạt vụ tấn công ngày 21/4, theo đó "nhiều khả năng" các phần tử khủng bố sẽ tiến hành thêm các vụ tấn công, đặc biệt nhằm vào những địa điểm có nhiều người nước ngoài.
Giới chức Anh trước đó xác nhận có 8 công dân nước này thiệt mạng trong loạt vụ đánh bom vừa qua ở Sri Lanka.
Australia cùng ngày cũng cảnh báo "có thể" xảy ra thêm các vụ tấn công khủng bố ở Sri Lanka và khuyến cáo công dân nước này "cân nhắc có cần đến Sri Lanka hay không".
Trước đó, nhà chức trách Ausralia cho biết có 2 công dân nước này là 2 mẹ con thiệt mạng trong vụ tấn công vừa qua tại Sri Lanka. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết cảnh sát chống khủng bố của Australia sẽ hỗ trợ Sri Lanka điều tra vụ việc.
Liên quan vụ tấn công trên, truyền thông Australia ngày 26/4 đưa tin Abdul Lathief Jameel Mohamed, một trong 9 kẻ đánh bom liều chết trong loạt vụ tấn công đẫm máu ở Sri Lanka từng bị nhà chức trách Australia điều tra năm 2014.
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, Mohamed đã hoàn thành khóa học sau đại học về công nghệ tại trường Đại học Swinburne, thành phố Melbourne, bang Victoria của Australia từ năm 2009-2013. Đối tượng này từng bị cơ quan an ninh Australia điều tra sau khi có tin tình báo cho thấy mối liên hệ với một phần tử cấp cao của IS và đang bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên cuộc điều tra trên không tìm thấy bằng chứng Mohamed đe dọa an ninh ở Australia. Trước khi đến Australia, Mohamed từng theo học ngành hàng không ở Anh nên không loại trừ khả năng tên này tham gia chế tạo bom cho nhóm đánh bom liều chết.
Giới chức Sri Lanka nghi ngờ Mohamed là một trong những kẻ cầm đầu các vụ tấn công hôm 21/4. Mohamed đã kích nổ bom gần khách sạn New Tropical Inn ở quận Dehiwala, phía Nam trung tâm thủ đô Colombo, khiến 2 người thiệt mạng. Đây là cuộc tấn công thứ 7 trong ngày.
Các cuộc điều tra của cảnh sát đã xác định có 9 kẻ đánh bom liều chết tham gia 8 vụ tấn công trong ngày 21/4. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà chức trách Sri Lanka đã bắt giữ trên 75 nghi can.
Loạt vụ tấn công xảy ra ngày 21/4 nhằm vào các nhà thờ và khách sạn hạng sang ở Sri Lanka là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ khi cuộc nội chiến ở quốc gia Nam Á này kết thúc một thập kỷ trước đây.
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận gây ra vụ tấn công này, nhưng không đưa ra bằng chứng. Tuy nhiên, nhà chức trách Sri Lanka cáo buộc 2 nhóm Hồi giáo trong nước là NTJ và Jammiyathul Millathu Ibrahim liên quan đến vụ tấn công.
Bộ Y tế Sri Lanka ngày 25/4 thông báo cập nhật số thương vong trong loạt vụ tấn công trên, theo đó số nạn nhân thiệt mạng là khoảng 253 người, ít hơn so với con số 359 người được công bố trước đó. Bộ Y tế Sri Lanka cho biết con số trên được xác nhận sau khi hoàn tất giám định ADN, khám nghiệm tử thi và phát hiện một số trường hợp trùng lặp do thi thể nạn nhân bị hủy hoại nghiêm trọng.