Theo phóng viên TTXVN tại London, các nhà khoa học chỉ ra rằng cho đến nay, các biến thể gây lo ngại đều là những biến thể có khả năng lây lan rất nhanh, như chủng Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, có khả năng lây lan nhanh gấp đôi so với chủng SARS-CoV-2 nguyên thể xuất hiện ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, tốc độ lây lan không phải là đặc điểm duy nhất của virus SARS-CoV-2. Khi càng có nhiều người trong cộng đồng miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc đã mắc COVID-19, virus nhiều khả năng phát triển để tránh miễn dịch đó. Hiện tượng này được gọi là thoát miễn dịch.
Tiến sĩ Aris Katzourakis, người nghiên cứu sự phát triển của virus tại Đại học Oxford, cho rằng virus SARS-CoV-2 đang phát triển ở giai đoạn đỉnh cao và có khả năng xảy ra thoát miễn dịch. Thoát miễn dịch xảy ra khi trong cộng đồng đã có miễn dịch một phần trong khi virus vẫn đủ khả năng lây lan.
Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, hiện tại đã có các điều kiện để xảy ra thoát miễn dịch khi chỉ 70% người lớn, và một số ít trẻ em tại Anh, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, và cứ 80 người thì có một người mắc COVID-19. Theo các nhà khoa học, điều này không có nghĩa là một biến chủng mới sẽ xuất hiện tại Anh trong những tuần tới, song nguy cơ này có nhiều khả năng xảy ra hơn trước đây.
Các nhà khoa học cho rằng các biến thể có khả năng thoát miễn dịch tốt hơn đã xuất hiện. Mặc dù không hoàn toàn vô hiệu hóa tác dụng của vaccine, các biến thể này có thể loại bỏ sự bảo vệ của vaccine. Sự thật đã được chứng minh tại Anh khi biến thể Delta hiện chiếm hầu hết mọi ca mắc COVID-19 ở Anh. Biến chủng này có thể gây tái nhiễm COVID-19 cũng như có khả năng tránh được tác dụng của vaccine, đặc biệt ở những người mới tiêm 1 mũi.
Tuy nhiên, vaccine vẫn đang tiếp tục được phát triển, và các nghiên cứu cho thấy vaccine có khả năng tránh được việc nhập viện đối với hơn 90% các ca mắc COVID-19.
Giáo sư Jonathan Ball, một nhà virus học tại Đại học Nottingham, cho biết trong cộng đồng đã có khả năng miễn dịch một phần - đặc biệt nếu virus đang lây lan, khả năng xảy ra thoát miễn dịch là điều không tránh khỏi. Song ông cho rằng khó có khả năng xuất hiện một loại virus vừa có thể kháng vaccine lại vừa có khả năng lây nhiễm và gây bệnh cho những người được miễn dịch hoàn toàn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các biến thể mới trong những tháng tới sẽ cần được theo dõi rất chặt chẽ.
Trước đó, ông Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ hàng đầu người Indonesia, nhận định: "Các biến thể mới luôn xuất hiện ở những khu vực hay quốc gia không thể kiểm soát được dịch. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu 5% số xét nghiệm cho kết quả dương tính, nghĩa là dịch đã vượt tầm kiểm soát. Tại Indonesia, con số này cao hơn 10% trong khoảng 16 tháng ở giai đoạn đầu của dịch và hiện giờ là trên 30%. Vì thế rất có khả năng xuất hiện một biến thể mới hoặc siêu biến thể".
Tiến sĩ Ravina Kullar, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết virus luôn không ngừng thay đổi thông qua các đột biến trong chuỗi gene di truyền của chúng để tạo ra biến thể mới. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang được phát hiện trên thế giới mỗi tuần nhưng chưa đáng lo ngại vì không phổ biến hoặc nhanh chóng biến mất. Chỉ khi biến thể mới tăng khả năng lây nhiễm, tăng nguy cơ nhập viện hay tử vong ở người và làm giảm hiệu quả của vaccine cũng như các phương pháp điều trị, WHO mới xếp chúng vào nhóm "đáng lo ngại".
Hiện trên thế giới có 4 biến thể đáng lo ngại là biến thể Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh) biến thể Beta (phát hiện lần đầu ở Nam Phi) biến thể Delta (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ) và biến thể Gamma (phát hiện lần đầu ở Brazil). Theo Giám đốc Viện Eijkman, ông Soebandrio, Indonesia hiện phát hiện 3 loại biến thể trên (trừ Gamma), trong đó biến thể Alpha đang lan rộng còn Delta đã trở thành biến thể vượt trội, chiếm phần lớn số ca bệnh.