Theo Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S), khi các đặc phái viên nhóm họp tại Hội nghị tham vấn thường niên của Liên hợp quốc (LHQ) về khí hậu ở Bonn (Đức) đầu tháng 6 để chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vào tháng 11 tới, nhiệt độ không khí trung bình ở bề mặt Trái đất đã tăng hơn 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp trong vài ngày. Dù trước đó đã có lúc nhiệt độ vượt ngưỡng tăng 1,5 độ C, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra việc này vào mùa Hè ở Bắc Bán cầu, bắt đầu từ ngày 1/6. Nhiệt độ trên biển đã đạt kỷ lục vào tháng 4 và tháng 5.
Chuyên gia khí hậu tại Đại học New South Wales của Australia, bà Sarah Perkins-Kirkpatrick cảnh báo: “Chúng ta đang sắp hết thời gian”.
Trong khi các đặc phái viên về khí hậu của hai nước thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới sẽ nhóm họp vào tháng tới, nhiệt độ đã đạt kỷ lục trong tháng 6 tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và các đợt nắng nóng cực đoan đã tấn công nước Mỹ. Nhiều nơi ở khu vực Bắc Mỹ đã chứng kiến nền nhiệt cao hơn 10 độ C so với mức trung bình theo mùa trong tháng này, và khói từ các đám cháy rừng đã khiến toàn Canada và vùng Bờ biển phía Đông nước Mỹ bị bao phủ trong màn sương mù độc hại, với khí thải CO2 ước tính ở mức kỷ lục 160m3.
Tại Ấn Độ, một trong những khu vực dễ tổn thương nhất với khí hậu, số ca tử vong có liên quan đến nhiệt độ cao đã tăng mạnh. Nóng cực đoan cũng được ghi nhận ở Tây Ban Nha, Iran…, làm dấy lên lo ngại mùa Hè chết chóc hồi năm ngoái có thể trở thành điều thường xảy ra.
Trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước đã nhất trí giới hạn mức tăng nhiệt trung bình ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tuy nhiên Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) dự báo khả năng cao (66%) là con số này sẽ vượt ngưỡng 1,5 độ C ít nhất trong cả một năm liền từ nay đến năm 2027.
Nhiệt độ cao trong đất liền gắn với mức tăng nhiệt trên biển, nhất là khi sự ấm lên sẽ càng rõ rệt hơn với hiện tượng El Nino và nhiều nhân tố khác. Mức nhiệt bề mặt biển toàn cầu trung bình cuối tháng 3 vừa qua đã lên tới 21 độ C và duy trì ở mức kỷ lục vào thời gian này trong suốt tháng 4 và tháng 5. Cơ quan khí hậu của Australia cảnh báo nhiệt độ tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương có thể ấm hơn 3 độ C so với mức trung bình vào tháng 10.
Giáo sư vật lý khí hậu tại Đại học Leeds, ông Piers Forster cho biết sự ấm lên toàn cầu là tác nhân chính, song hiện tượng El Nino, tình hình giảm bụi sa mạc Sahara trên đại dương và việc sử dụng nhiên liệu tàu biển ít lưu huỳnh cũng là những nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Ông khẳng định: “Tổng cộng, các đại dương đang bị tác động bởi 4 tác nhân tiêu cực. Đây là một dấu hiệu cho biết điều gì sẽ xảy ra”.
Hàng ngàn con cá chết đã được vớt lên từ bờ biển ở bang Texas (Mỹ) và sự nở rộ của tảo biển cũng là nguyên nhân khiến sư tử biển và cá heo chết ở California.
Theo chuyên gia khí hậu tại Viện công nghệ Georgia, bà Annalisa Bracco, biển ấm hơn cũng đồng nghĩa với ít mưa hơn và ít gió hơn, tạo nên một vòng luẩn quẩn khiến mức nhiệt càng tăng. Bà cảnh báo dù mức nhiệt trên biển trong năm nay là do “sự cộng gộp” của nhiều bối cảnh, nhưng tác động sinh thái có thể kéo dài.
Các chuyên gia khí hậu cho biết mức độ thường xuyên và kéo dài của các hiện tượng khí hậu cực đoan đang ngày càng gia tăng. Năm nay cũng đang chứng kiến các trận hạn hán trên khắp thế giới, cũng như một trận bão rất hiếm thấy và gây chết người ở châu Phi.
Tuy nhiên, Quỹ Thiên nhiên thế giới (WFN) cảnh báo các cuộc đàm phán khí hậu ở Bonn tháng này đang “thiếu xung lực một cách đáng lo ngại” khi mà chỉ đạt tiến bộ nhỏ trong những vấn đề chủ chốt như nhiên liệu hóa thạch và tài chính trước thềm hội nghị COP28 ở Dubai. Cố vấn khí hậu cấp cao của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) tại Bắc Kinh, ông Li Shuo chia sẻ “rất thất vọng” về kết quả hội nghị ở Bonn, đồng thời bày tỏ hy vọng “thực tế khắc nghiệt sẽ giúp chúng ta thay đổi hành vi của mọi người và thay đổi chính sách”.