Đây là kết quả của báo cáo được công bố ngày 2/3 trên tạp chí điện tử BMJ Global Health.
Các nhà khoa học cho rằng mặc dù châu Phi ghi nhận gần 4 triệu ca mắc COVID-19, song rất ít nghiên cứu về châu Phi hoặc có tác giả đến từ "Lục địa Đen". Điều này phản ánh tình trạng thiên lệch trong nghiên cứu y tế và ban hành chính sách toàn cầu.
Trong nghiên cứu, nhóm tác giả đã phân tích hơn 2.000 bài báo khoa học đăng trên 10 tạp chí sức khỏe và y tế hàng đầu thế giới từ ngày 1/1-30/9 năm 2020. Kết quả cho thấy chỉ có 94 trong tổng số 2.196 bài báo - tương đương 4% - có nội dung liên quan đến châu Phi nói chung hoặc một nước cụ thể nói riêng.
Trong số các bài báo liên quan đến châu Phi, chỉ có 210 trong số 619 tác giả (34%) là người châu Phi. Điều này đồng nghĩa có tới 66% số tác giả nghiên cứu về COVID-19 tại châu Phi không phải là người thuộc châu lục này, trong khi chỉ có 3% số tác giả nghiên cứu về đại dịch tại các châu lục khác là người châu Phi.
Nhóm tác giả cho rằng kết quả trên không gây ngạc nhiên, bởi thực tế có rất ít chuyên gia nghiên cứu đại diện cho châu Phi trên bản đồ khoa học thế giới. Trước thực trạng này, các nhà khoa học kêu gọi tiến hành thêm các nghiên cứu về châu Phi cũng như khuyến khích sự tham gia của các nhà khoa học châu Phi trong các nghiên cứu khoa học để khu vực này kịp thời ứng phó với đại dịch tại địa phương.
Nhóm tác giả hối thúc chính phủ các nước tăng cường gây quỹ tài trợ nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu liên quan đến các bệnh truyền nhiễm, đồng thời cho rằng các tạp chí khoa học đóng vai trò quan trọng giúp đảm bảo các nghiên cứu được phân bố đồng đều hơn trên toàn cầu.
Kết quả một nghiên cứu khác cũng củng cố kết luận trên, khi theo dõi nghiên cứu liên quan đến các chuyên gia hoặc các viện khoa học châu Phi từ tháng 11/2019-8/2020. Kết quả cho thấy các nhà khoa học châu Phi chỉ góp mặt trong 3% số nghiên cứu được công bố trên toàn cầu, và gần 66% trong số đó đến từ ba nước là Nam Phi, Ai Cập và Nigeria.