Cảnh báo triti trong nước thải Fukushima có thể gây ‘tổn hại di truyền’

Tiến sĩ Christopher Busby - chuyên gia hạt nhân, nhà hóa học vật lý và thư ký khoa học của Ủy ban châu Âu về Rủi ro Bức xạ - cảnh báo rằng triti trong nước làm mát được lọc từ nhà máy hạt nhân Fukushima rất nguy hiểm.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: Sputnik

“Triti có thể xâm nhập vào cơ thể con người một cách dễ dàng. Chất này trao đổi với hydro thông thường, và có thể trở thành liên kết hữu cơ (cộng hoá trị). Nó có thể gây tổn hại di truyền chỉ với nồng độ thấp”, ông Busby giải thích.

Sau nhiều tháng tranh cãi, Nhật Bản tuyên bố sẽ bắt đầu xả hơn 1 triệu tấn nước phóng xạ pha loãng đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương vào ngày 24/8. Quyết định trên đã được đưa ra bất chấp làn sóng chỉ trích từ người dân địa phương, cộng đồng quốc tế cũng như Trung Quốc và các nước láng giềng khác trong khu vực.

Nhật Bản đã ấp ủ kế hoạch xả nước thải từ Fukushima trong nhiều năm. Năm 2019, chính quyền Nhật Bản cảnh báo rằng nước này sắp hết chỗ để lưu trữ nước thải từ nhà máy này.

Chuyên gia Busby cho rằng nước thải Fukushima dường như đã được xử lý để loại bỏ các đồng vị phóng xạ có rủi ro lớn nhất - gồm stronti-90, Caesi-137 và carbon-14. Tuy nhiên, việc loại bỏ triti rất tốn kém, và do đó nước phóng xạ phần lớn bị nhiễm một lượng lớn triti oxit, dưới dạng nước triti hóa HTO.

Theo ông Busby, triti là chất gây ô nhiễm lớn nhất. Triti là một đồng vị phóng xạ của hydro. Mặc dù được tạo ra một cách tự nhiên từ sự tương tác của các tia vũ trụ với các chất khí ở tầng trên của khí quyển, nhưng nó cũng là sản phẩm phụ của các lò phản ứng hạt nhân. Triti có cùng số proton và electron như hydro, nhưng không giống như hydro thông thường không chứa neutron nào, triti chứa 2 neutron. Vì vậy, triti vừa không ổn định vừa có tính phóng xạ.

Chú thích ảnh
Các bể chứa nước thải chưa qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, ngày 20/1/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo nhà điều hành Nhà máy điện hạt nhân Fukushima - Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), nước thải từ Fukushima sẽ được xử lý loãng, chỉ còn chứa nồng độ chất phóng xạ rất thấp. Nước thải sẽ được xả qua một đường hầm dưới biển ra Thái Bình Dương, khu vực cách bờ biển khoảng 1 km. Toàn bộ quá trình sẽ được giám sát bởi các bên thứ ba, bao gồm cả Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong nhiều năm tới.

Song chuyên gia Busby đã trích dẫn các nghiên cứu của ông về bệnh ung thư và bệnh bạch cầu ở trẻ em gần biển Ireland vào cuối những năm 1990.

Ông cho biết triti có trong nước mặt. Nước mặt sẽ chảy về phía bờ và những người dân sống trong phạm vi 1 km gần khu vực biển đó có khả năng hít phải. Các hạt nhân phóng xạ tập trung trong trầm tích ven biển cũng có thể chảy vào bờ. Có thể tìm thấy triti trong cá, động vật có vỏ, trong quả mâm xôi, ở khắp mọi nơi gần biển Ireland và gần kênh Bristol.

“Nghiên cứu của tôi về biển Ireland đã xem xét nhiều  khu vực của xứ Wales từ năm 1974 đến năm 1990 và phát hiện ra tác động rõ ràng và đáng kể của bờ biển đối với bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư ở trẻ em”, ông Busby nhớ lại.

Chuyên gia này cho biết các nghiên cứu tương tự, từ năm 1999 đến năm 2006, cũng cho thấy tỷ lệ ung thư tăng gần 30% gần eo biển Bristol, nơi cũng có nồng độ triti đáng kể. Trích dẫn nghiên cứu của Giáo sư Awadhesh Jha, ông nói rằng một lượng rất nhỏ triti cũng có thể gây “tác động sâu sắc đến nhiễm sắc thể và sự phát triển” của động vật không xương sống ở biển.

Đề cập đến nghiên cứu của một đồng nghiệp ở Đức vào năm 1998, ông Busby cho biết nước triti hóa có nhiệt độ đóng băng cao hơn nhiều so với nước thông thường. Nhà khoa học này chỉ ra: “Vì vậy, khi sương mù xuất hiện trong thời điểm nhiệt độ không khí giảm xuống, sương mù ban đầu chính là hơi nước triti hóa tinh khiết”.

Chú thích ảnh
Các bể chứa nước thải nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Động thái xả nước thải Fukushima của Tokyo đã phải hứng chịu hàng loạt chỉ trích. Trong số đó, phản đối kịch liệt nhất đến từ Trung Quốc, quốc gia đã quyết định cấm nhập khẩu hải sản từ 10 tỉnh của Nhật Bản để “ngăn chặn các sản phẩm nhiễm phóng xạ chuyển đến Trung Quốc và đảm bảo an toàn cho sản xuất nhập khẩu cho người tiêu dùng trong nước”.

Các nhà hoạt động Hàn Quốc cũng phản đối kế hoạch của Nhật Bản. Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Lee Jae-myung cho biết đảng này sẽ buộc chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol phải chịu trách nhiệm về việc “không thực hiện nghĩa vụ của mình”. Ông Lee cũng nói rằng kế hoạch xả nước từ nhà máy Fukushima của Nhật Bản giống như hành động “khủng bố”.

Các tổ chức đánh bắt cá địa phương và các chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc cũng bày tỏ lo ngại về mối đe dọa tiềm tàng đối với môi trường biển và sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, phát biểu với các phóng viên ngay sau hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn tại Trại David, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố: “Vấn đề xả nước đã qua xử lý trong Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến không thể bị trì hoãn”.

Chính phủ Nhật Bản cũng khẳng định mức triti cuối cùng an toàn hơn nhiều so với mức mà các cơ quan quản lý yêu cầu đối với việc xả chất thải hạt nhân hoặc Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo đối với nước uống.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Nồng độ tritium trong nước thải từ Fukushima thấp hơn nhiều ngưỡng cho phép
Nồng độ tritium trong nước thải từ Fukushima thấp hơn nhiều ngưỡng cho phép

Ngày 24/8, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết nồng độ tritium trong nước thải được xả ra Thái Bình Dương từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN