Ukraine đang đứng trước ngưỡng bất ổn mới, với sự "nổi dậy" của lực lượng Cánh hữu, trong tình cảnh thất nghiệp hàng loạt, nghèo đói gia tăng, lạm phát phi mã, bất công xã hội, xung đột kéo dài ở miền Đông... khiến dân chúng mất niềm tin vào chính quyền.
Dmytro Yarosh - một người chống Nga, bài Do Thái, theo đường hướng phát xít mới, thủ lĩnh phe cực hữu Ukraine (Right Sector-Cánh hữu) đã kêu gọi vệ binh quốc gia, quân đội, lực lượng an ninh Ukraine bất tuân lệnh Kiev. Ông Yarsosh đã gọi quan chức chính quyền là những kẻ “phản bội”, là những người chỉ muốn “làm giàu cá nhân… Trong khi chúng tôi phải đổ máu để bảo vệ tổ quốc thì bọn họ lại vơ vét tài sản, làm mọi thứ để cuộc chiến kéo dài càng lâu càng tốt”. Động thái này đưa đến nguy cơ bùng phát “cách mạng Maidan” phiên bản 2.0.
Các phần tử cực hữu Right Sector tuần hành phản đối chính quyền tại thủ đô Kiev hôm 21/7. Ảnh: Reuters |
Ngay sau khi xảy ra vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh với các tay súng cánh hữu tại Mukacheve hôm 11/7, Tổng thống Petro Poroshenko đã ra lệnh giải tán các nhóm vũ trang bất hợp pháp, với dụng ý nhằm vào Right Sector. Thế nhưng phe này tuyên bố không chấp nhận thực tế trên. Phát ngôn viên Right Sector Artem Skoropadsky nói rằng “chúng tôi không phải là nhóm vũ trang bất hợp pháp. Khái niệm này dùng để chỉ những băng đảng cướp bóc, trong khi chúng tôi là những nhóm vũ trang tình nguyện, bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Tuyên bố trên vì thế không áp dụng được đối với chúng tôi”. Trước đó, chính ông Skoropadsky còn nói rằng, trong trường hợp có biến cố, ông Poroshenko thậm chí còn không có được cơ hội “chạy thoát” như ông Yanukovych, mà sẽ bị các nhóm thanh niên, vệ binh quốc gia tra tấn trong những căn hầm tối tăm.
Right Sector cho biết, các “nhà hoạt động” của phái này dự tính tổ chức các cuộc tuần hành tại 17 thành phố trên cả nước, từ Kiev, Dnepropetrovsk, Odessa, Zaporozhye, Ternopol, Mariupol tới Kherson, Kramatorsk, Poltava, với khẩu hiệu chống chính quyền tham nhũng và hành động để tự vệ. Hôm 21-22/7, hàng ngàn người ủng hộ Right Sector đã tuần hành tại trung tâm thủ đô, yêu cầu các quan chức chính quyền từ chức, hô vang khẩu hiệu “quyết chiến với kẻ thù”. Không dừng lại ở yêu sách trước đó đòi Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov từ chức, Right Sector kêu gọi các cuộc biểu tình quy mô lớn chống chính quyền theo kiểu cách mạng Maidan.
Trước đảm đông người ủng hộ, thủ lĩnh Yarosh tuyên bố về cái gọi là “giai đoạn mới của cuộc cách mạng tại Ukraine”. Theo đó, các “ủy ban cách mạng” do phe cánh hữu thành lập sẽ sớm đi vào hoạt động trên quy mô toàn quốc, với mục đích thúc đẩy thay đổi thể chế. Mục tiêu chính mà Right Secor theo đuổi là đòi trưng cầu ý dân về bất tín nhiệm đối với quốc hội, chính phủ và Tổng thống Poroshenko. Nếu Kiev không đáp ứng đòi hỏi này, thì lực lượng cánh hữu sẽ tự đứng ra tổ chức trưng cầu, với thông điệp “chính quyền cần phải hiểu rằng nếu người dân không hài lòng thì tốt nhất là nên giải tán”.
Bất đồng khó san lấp?Phe cánh hữu từng được xem là lực lượng “có công” lớn trong cách mạng Maidan lật đổ chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych. Lực lượng lên nắm quyền sau đó vẫn bắt tay với Right Sector trong cuộc chiến chống phe ly khai ở miền Đông, do thực lực quân đội Ukraine có hạn. Nhưng theo thời gian, Kiev hiểu rằng không thể có được ổn định một khi phái cực hữu với lực lượng vũ trang trong tay đứng “ngoài vòng pháp luật”. Tháng 5/2015, Tổng thống Poroshenko lệnh cho các tiểu đoàn trừng phạt mà đa phần thuộc Right Sector phải ra nhập lực lượng quân đội, vệ binh quốc gia Ukraine, nếu không sẽ bị giải giáp bằng vũ lực, đưa đi cải tạo ở các trại tập trung. Quân tiễu phạt không tuân lệnh, thậm chí còn dọa sẽ “đưa chiến tranh tới thủ đô Kiev”.
Mâu thuẫn nằm ở chỗ cánh hữu và Kiev không đồng nhất về mặt đường hướng. Phát biểu trên kênh truyền hình Ukraine, thủ lĩnh Yarosh tuyên bố theo đuổi quy chế trung lập, phản đối Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – đối nghịch với tính toán của Kiev, nhưng lại tương đồng với lực lượng đòi độc lập ở miền Đông.
Đáng chú ý, kế hoạch huy động lực lượng biểu tình tại hơn 17 thành phố trên khắp Ukraine không có Donetsk và Lugansk. “Donbass là của chúng ta, là lãnh thổ của Ukraine, vì thế tôi hy vọng vào mối quan hệ bình thường với những người sống ở đó. Tôi không ngại tiến hành các cuộc đối thoại với thợ mỏ ở Donetsk, bản thân tôi cũng xuất thân từ vùng Dnepropetrovsk và chính những người thợ mỏ ở Donetsk từng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập một nước Ukraine độc lập thời kì 1989-1990”. Phe ly khai cũng phát đi những tín hiệu mang tính hồi đáp. Người đứng đầu Cộng hòa Donetsk (DPR) tự xưng Aleksandr Zakharchenko “khen ngợi” ông Yarosh vì dám đứng lên chống lại chính quyền. Còn Cộng hòa Lugansk (LPR) thì hơn một lần hối thúc Right Sector ngừng chiến ở miền Đông, để quay về lật đổ chính quyền của giới tài phiệt ở Kiev.
Những động thái chống đối ra mặt gần đây của Right Sector có thể khiến chính quyền Tổng thống Poroshenko phải căng sức trên một mặt trận mới, giữa lúc xung đột ở miền Đông còn tiếp diễn. Nó xảy ra tại thời điểm mà người dân đã quá chán nản với những cam kết cải cách mới chỉ dừng trên giấy tờ, trong khi phải vật lộn với cuộc sống đầy khốn khó.