Cuộc thử nghiệm được tiến hành trong ngày 31/1 và 1/2 tại thị trấn Romford, ở ngoại vi London.
Việc tự động nhận dạng được tiến hành 8 giờ trong ngày, có sự chứng kiến của cảnh sát mặc đồng phục, với thông tin được phát cho người dân.
Trong thử nghiệm, thiết bị của cảnh sát có lưu trữ những đối tượng đang bị truy nã. Nếu máy quét thấy có gương mặt giống với kho dữ liệu, cảnh sát tại chỗ sẽ tiến hành kiểm tra để xác minh danh tính người bị máy báo động.
Theo cảnh sát London, một cuộc thử nghiệm tương tự đã diễn ra hồi tháng 12 năm ngoái và họ đã tiến hành hai vụ bắt giữ nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt của máy. Tuy vậy, nhiều tổ chức bảo vệ quyền riêng tư đã lên án công nghệ này là "độc đoán, nguy hiểm, vô luật pháp".
Tại xứ Wales, cảnh sát đã dùng công nghệ tự động nhận diện khuôn mặt ở nhiều sự kiện ở Cardiff kể từ trận chung kết Champions League hồi tháng 6/2017. Tuy nhiên, kể từ khi công nghệ này được sử dụng tại xứ Wales, khoảng 2.000 người đã bị nhận diện nhầm.
Nhận diện khuôn mặt - thông qua thuật toán để ráp nối gương mặt người với dữ liệu video và ảnh, không phải là điều mới mẻ. Kỹ thuật này đã được dùng để 'tag' người dùng trên Facebook, mở khóa iPhone hay PlayStation.
Đa số công dân Mỹ cũng đã có trong kho dữ liệu nhận diện gương mặt của chính phủ, dựa vào ảnh hộ chiếu và bằng lái xe. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và nhiều cơ quan thực thi pháp luật ở Mỹ đã sử dụng các dữ liệu này từ nhiều năm. Nhưng thường việc ráp nối diễn ra trong hoàn cảnh "cố định", nghĩa là so sánh hình ảnh, video với các hình chụp khác. Khi công nghệ tiến bộ hơn, xuất hiện khả năng nhận diện khuôn mặt "trực tiếp". Máy quay video trực tiếp sẽ quét hình ảnh người đang đi để ráp nối với kho dữ liệu nghi phạm.
Theo hãng tin NBC News, cơ quan an ninh Mỹ đã thử nghiệm công nghệ mới ở một số sân bay. Hiện Mỹ đang xây dựng các hệ thống để có thể dùng cho cảnh sát địa phương.