Ông Itamar Ben-Gvir xác nhận thông tin này trên mạng xã hội Twitter ngày 8/1. Ông Ben-Gvir cho rằng việc vẫy cờ Palestine là hành động ủng hộ “khủng bố”.
Chỉ đạo mới này dường như là dấu hiệu cho lập trường cứng rắn và không nhượng bộ của chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu đối với sự biểu thị của người Palestine về danh tính và tự do ngôn luận.
Kênh Al Jazeera cho biết luật pháp Israel không cấm cờ Palestine nhưng cảnh sát và binh lính có quyền gỡ bỏ chúng trong trường hợp họ cho rằng có mối đe dọa đối với trật tự công cộng.
Trên thực tế, việc treo cờ Palestine ở Israel đã bị chính quyền Israel ngăn chặn từ lâu. Người Palestine coi những động thái như vậy là một nỗ lực nhằm ngăn chặn danh tính của họ.
Lệnh của ông Ben-Gvir được đưa ra sau khi một cuộc biểu tình phản đối chính phủ diễn ra tại Tel Aviv vào ngày 7/1, trong đó một số người đã vẫy cờ Palestine.
Thủ tướng Netanyahu ngày 8/1 viết trên mạng xã hội Twitter rằng sự hiện diện của lá cờ Palestine tại cuộc biểu tình ở Tel Aviv là “kích động dữ dội”.
Trước đó, một tù nhân Palestine bị kết tội bắt cóc và giết binh sĩ Israel năm 1983 đã ra tù. Tại ngôi làng của ông ta ở miền Bắc Israel, nhiều người dân đã vẫy cờ Palestine đón ông ta về như một người hùng.
Khoảng 1/5 dân số Israel là người Palestine và hầu hết là hậu duệ của những người Palestine vẫn ở lại khu vực này khi Israel được thành lập vào năm 1948 - sự kiện người Palestine gọi là Nakba, hay thảm họa.
Ông Ben-Gvir vào ngày 3/1 đã thăm khu đền thờ Al-Aqsa/Núi Đền, điểm nóng tranh chấp giữa người Hồi giáo và Do Thái. Động thái này vấp phải phản đối của nhiều quốc gia.
Trong một diễn biến khác ngày 6/1, Nội các an ninh Israel đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt đối với Chính quyền Palestine.
Quyết định này được cho là nhằm mục đích trả đũa việc Chính quyền Palestine yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) nêu quan điểm về hành vi chiếm đóng của Israel đối với các vùng lãnh thổ thuộc Bờ Tây.