Trước đó, ngay từ sáng sớm, an ninh tại thủ đô Paris đã được siết chặt với hàng nghìn nhân viên an ninh được triển khai trên các đường phố.
Lực lượng chức năng đã đóng cửa Tháp Eiffel và các điểm du lịch nổi tiếng ở thủ đô Paris, dỡ bỏ các thanh kim loại trên đường phố có thể dùng làm vũ khí tấn công, trong khi các cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa, gia cố thêm đề phòng cướp bóc.
Khoảng 8.000 cảnh sát đã được triển khai ở Paris nhằm tránh lặp lại tình trạng hỗn loạn như hôm 1/12, khi những người biểu tình quá khích đốt xe, cướp phá các cửa hàng trên đại lộ Champs Elysees.
Bên cạnh đó, các lực lượng an ninh cũng đã huy động xe bọc thép, phong tỏa các đại lộ lớn ở Paris.
Thị trưởng Paris Anne Hidalgo bày tỏ sự buồn bã khi phải chứng kiến thủ đô Paris bị đóng cửa một phần, song khẳng định ưu tiên lúc này của chính quyền thành phố là việc đảm bảo an toàn cho người dân.
An ninh không chỉ được thắt chặt tại Paris, khoảng 89.000 cảnh sát đã được triển khai trên cả nước, tăng 24.000 người so với hồi tuần trước.
Do lo ngại biểu tình có thể biến thành bạo động, các đại sứ quán nước ngoài tại Paris đã cảnh báo công dân của mình nâng cao cảnh giác. Đại sứ quán Mỹ tại Pháp đã khuyến cáo công dân nước mình tránh xa các khu vực tập trung đông người cũng như những nơi có thể xảy ra biểu tình.
Văn phòng Đối ngoại Anh cũng cảnh báo biểu tình ngày 8/12 có thể biến thành bạo lực, khuyến cáo công dân tránh các khu vực biểu tình và tuân thủ hướng dẫn của chính quyền các địa phương.
Khuyến cáo trên cũng được đưa ra tại Bỉ, trong bối cảnh phe "áo vàng" cũng dự kiến tổ chức biểu tình tại thủ đô Brusssels của nước này trong ngày 8/12. Trong khi đó, Bỉ khuyến cáo công dân nước này hoãn đi tới Paris, và nếu đang ở Paris, cần tránh các địa điểm du lịch, di chuyện phương tiện ra khỏi các bãi đỗ xe ngầm.
Ngoài ra, các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Italy, Na Uy, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain cũng ra khuyến cáo tương tự.