Hai ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà đã bắt tay chào hỏi nhau khi xuất hiện trên sân khấu của đài ABC tại tại Trung tâm Hiến pháp quốc gia thành phố Philadelphia.
Video hai ứng viên Trump-Harris bắt tay trên sân khấu tranh luận đầu tiên (nguồn: ABC News):
Theo đài truyền hình CNN, trong những phát biểu đầu tiên về vấn đề kinh tế, Phó Tổng thống Kamala Harris nói rằngchính quyền Tổng thống Joe Biden phải "dọn dẹp mớ hỗn độn của ông Donald Trump" sau bốn năm ông ở Nhà Trắng.
Bà cáo buộc ông Trump đã để lại cho nước Mỹ "tỷ lệ thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái và là cuộc tấn công tồi tệ nhất vào nền dân chủ kể từ Nội chiến cũng như trải qua một đại dịch sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong một thế kỷ.
"Những gì chúng tôi đã làm và những gì tôi dự định làm là xây dựng dựa trên những gì chúng tôi biết là nguyện vọng và hy vọng của người dân Mỹ", bà Harris nhấn mạnh.
Ứng viên đảng Dân chủ nhấn mạnh rằng bà có một kế hoạch giúp đỡ các gia đình Mỹ lo lắng về nền kinh tế và chi phí sinh hoạt.
Bà trình bày các kế hoạch xây dựng một "nền kinh tế cơ hội", bao gồm các đề xuất nhằm làm cho nhà ở trở nên giá cả phải chăng hơn và mở rộng khoản tín dụng thuế cho trẻ em.
Bà Harris cũng chỉ trích các đề xuất của cựu Tổng thống Donald Trump, như cung cấp các khoản cắt giảm thuế cho các tập đoàn và lập luận rằng chúng sẽ gây tổn hại đến các gia đình trung lưu của Mỹ.
Về phần mình, ứng viên tổng thống đảng Cộng hoà Trump cam kết sẽ gia hạn các khoản cắt giảm từ Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm năm 2017, đặc biệt là các khoản giảm thuế thu nhập cá nhân và giảm thuế doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Trump nhắc lại việc áp thuế đối với các quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc.
Cựu tổng thống cũng nhắc đến tỷ lệ lạm phát cao dưới thời chính quyền của cặp đôi Biden-Harris, nói rằng chúng là "thảm họa đối với người dân, đối với tầng lớp trung lưu, nhưng đối với mọi tầng lớp".
Đáp trả trước những kế hoạch của ông Trump, bà Harris cho biết các nhà kinh tế chính thống ủng hộ kế hoạch kinh tế của bà hơn kế hoạch của đối thủ.
Bà lấy dẫn chứng trong một phân tích công bố hồi tuần trước của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs. Trong báo cáo này, Goldman Sách cho rằng các chính sách kinh tế của ông Trump — đặc biệt là về thương mại — sẽ khiến nền kinh tế Mỹ suy giảm một chút vào năm 2025. Ngược lại, các đề xuất chính sách kinh tế của Harris sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng ở mức không đáng kể vào năm tới.
Ông Trump đã đề xuất mức thuế từ 10% đến 20% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, ngoại trừ hàng hóa Trung Quốc — sẽ bị áp mức thuế 60%. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, điều đó sẽ khiến mỗi người Mỹ thiệt hại 2.600 USD/năm. Đề xuất trục xuất 10 đến 20 triệu người nhập cư của ông Trump sẽ là một "cú sốc lạm phát". Ngược lại, các đề xuất của bà Harris mang tính chuẩn mực hơn và sẽ giúp nền kinh tế duy trì tốc độ.
Tranh luận về vấn đề quyền phá thai, cựu Tổng thống Trump đã bảo vệ quyết định ủng hộ lệnh cấm phá thai trong sáu tuần sẽ được đưa vào cuộc bỏ phiếu tại bang Florida.
Ông Trump tiếp tục nói rằng ông đã có thể lật ngược phán quyết Roe v. Wade bằng cách bổ nhiệm các thẩm phán vào Tòa án Tối cao và cho biết ông vẫn tin vào các trường hợp ngoại lệ đối với tội hiếp dâm, loạn luân và nguy hiểm tới tính mạng của người mẹ. Ông Trump cũng tuyên bố ông sẽ không ký lệnh cấm phá thai trên toàn quốc nếu đắc cử.
Về phía bà Harris, phó tổng thống chỉ trích cái mà bà gọi là “lệnh phá thai của ông Trump”, đồng thời nói rằng chính sách về quyền phá thai của ông Trump là “vô đạo đức".