Mỹ tiếp tục là ổ dịch lớn nhất toàn cầu với tổng cộng 1.131.030 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 65.753 ca tử vong, tiếp theo là Tây Ban Nha với 242.988 ca mắc và 24.824 ca tử vong.
Số ca tử vong do mắc COVID-19 tại châu Âu đã vượt ngưỡng 140.000 người. Châu Âu là lục địa chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 1.495.293 ca mắc bệnh và 140.096 ca tử vong trong số 234.987 người tử vong vì dịch bệnh trên khắp thế giới.
Các nước châu Âu có số ca tử vong lớn nhất do COVID-19 là Italy với 28.236 người, tiếp đến là Anh, Tây Ban Nha và Pháp với số người tử vong ở mỗi nước lần lượt là 27.510, 24.284 và 24.594 ca. Đức cũng đã có 6.736 ca tử vong, Thổ Nhĩ Kỳ có 3.258 ca, Nga có 1.169 ca tử vong.
Hãng thông tấn TASS ngày 1/5 dẫn thông cáo báo chí của Bộ Xây dựng và Nhà ở Nga cho biết, Bộ trưởng bộ này Vladimir Yakushev và cấp phó của ông Dmitry Volkov đều có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin (Mi-kha-in Mu-su-xtin) đã dương tính với SARS-CoV-2 và Tổng thống Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) đã chấp thuận đề nghị của ông về việc chỉ định Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov (An-đrây Bê-lâu-xốp) làm quyền Thủ tướng Nga trong thời gian ông chữa bệnh.
Hiện Nga là một trong những quốc gia ở châu Âu có nhiều ca nhiễm virus SARS-CoV-2, với 114.431 ca nhiễm, chủ yếu tại vùng Moskva và thành phố Saint Petersburg. Tổng thống Putin cho biết tình hình hiện “rất phức tạp” và cảnh báo khả năng Nga chưa đạt tới đỉnh dịch. Mặc dù vậy, chính phủ Nga cũng đã đề cập tới khả năng dỡ bỏ một số biện pháp trong lệnh phong tỏa từ ngày 12/5 tới.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 1/5 tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn là "tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế" (PHEIC).
Như vậy là 3 tháng sau khi Ủy ban Khẩn cấp WHO lần đầu khuyến nghị Tổng giám đốc Tedros tuyên bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp đối với dịch COVID-19, người đứng đầu WHO khẳng định dịch bệnh vẫn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế khi mà bệnh lây lan ngày càng rộng tại các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém. Ông Tedros bày tỏ "quan ngại sâu sắc về những tác động tiềm tàng" của dịch bệnh "khi mà bệnh bắt đầu tăng nhanh tại các nước có hệ thống y tế yếu kém hơn… chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các nước thực thi gói các biện pháp toàn diện nhằm phát hiện, cách ly, xét nghiệm và điều trị mọi trường hợp cũng như truy dấu mọi mối tiếp xúc".
Theo ông Tedros, WHO sẽ "tiếp tục phối hợp với các quốc gia và đối tác để cho phép hoạt động đi lại thiết yếu, cần thiết cho công tác ứng phó với đại dịch, cứu trợ nhân đạo và vận chuyển hàng hóa, cũng như để các nước có thể dần nối lại hoạt động đi lại thông thường của hành khách.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, ông Michael J. Ryan ngày 1/5 tuyên bố WHO chắc chắn rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có nguồn gốc tự nhiên, đồng thời khẳng định việc xác định vật chủ tự nhiên của virus là vô cùng quan trọng.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Ryan nêu rõ: "Chúng tôi đã nhiều lần lắng nghe nhiều nhà khoa học, những người nghiêm cứu hệ quả và chủng virus này, chúng tôi chắc chắn rằng virus có nguồn gốc tự nhiên. Điều quan trọng là chúng ta xác định được vật chủ tự nhiên của chủng virus này. Mục đích chính của việc này là đảm bảo được rằng chúng ta sẽ hiểu về virus hơn, hiểu được những điểm chung của động vật và con người và hiểu cách hàng rào loài người-động vật bị phá vỡ".
Cũng trong ngày 1/5, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm của Mỹ (FDA) thông báo đã cấp phép để sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Theo thông báo, FDA sẽ trao quyền cho công ty dược phẩm Gilead Sciences để sử dụng khẩn cấp thuốc kháng virus Remdesivir, mở ra cơ hội sử dụng rộng rãi ở các bệnh viện của Mỹ trong thời gian tới.
Giám đốc điều hành của Gilead Sciences – ông Daniel O'Day đã gọi động thái mới nhất của FDA là bước đi đầu tiên quan trọng và công ty này sẽ ủng hộ 1,5 triệu mẫu thuốc để giúp đỡ các bệnh nhân.
Remdesivir là một trong số các loại thuốc thử nghiệm đầu tiên trong phác đồ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, do công ty Gilead Sciences của Mỹ bào chế. Trong các nghiên cứu, thuốc này đã cho thấy hiệu quả trong việc ức chế sự phát triển virus corona gây bệnh tương tự như COVID-19, bao gồm Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Thuốc này được điều chế với mục đích ban đầu để điều trị virus Ebola, song không thành công.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ hiện cũng đã lên kế hoạch đẩy nhanh việc bào chế vaccine với mục tiêu có 100 triệu liều vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết các thử nghiệm lâm sàng để đảm bảo một vaccine thực sự an toàn và hiệu quả có thể mất tối thiểu 12-18 tháng. Từ đầu tháng 4, một số cơ quan thuộc Bộ y tế và dịch vụ con người của Mỹ (HHS) đã thông báo nhiều kế hoạch hợp tác với hơn 15 công ty dược phẩm cũng như với các cơ quan quản lý thuốc châu Âu, trong một nỗ lực nhằm tìm vaccine và thuốc điều trị COVID-19.
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 1/5 cảnh báo Mỹ Latinh sẽ đối mặt với thảm họa khi chính phủ các nước trong khu vực bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 để tìm kiếm sự “bình thường mới” trong khi mối đe dọa của điều “tồi tệ” nhất đang đến gần.
Hai tháng sau khi nghi nhận ca bệnh đầu tiên tại thành phố Sao Paulo, Brazil, số ca tử vong do đại dịch CVID-19 tại khu vực trên 630 triệu dân này đã lên trên 11.000 người và số ca bệnh đạt hơn 230.000 người. Brazil và Mexico chiếm 69% trên tổng số ca tử vong trong khu vực.
Tuy nhiên, chính phủ nhiều nước trong khu vực như Brazil, Uruguay, Costa Rica, Argentina, Ecuador đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch như hạ cấp độ rủi ro, mở lại các trường học tại nông thôn, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục và trung tâm thương mại. Mexico, nước có số ca nhiễm trên 20.000 người và tỉ lệ tử vong cao nhất khu vực, đã lên kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế tại một số bang kiểm soát tốt dịch bệnh từ ngày 17/5 tới và các bang còn lại sẽ được hoạt động bình thường trở lại từ ngày 1/6, trong khi đỉnh dịch được dự báo diễn ra vào ngày 8-10 tới và sẽ kéo dài 3 tuần.
Giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm và phân tích sức khỏe của PAHO, Marcos Espinal, cảnh báo chính phủ các quốc gia trong khu vực không nên buông lỏng cảnh giác cho tới khi dịch đạt đỉnh điểm và số ca nhiễm bắt đầu giảm.