Theo tờ The Independent, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết sóng lớn đã làm hư hỏng bến tàu này vào ngày 28/5 và cần phải xây dựng lại hoặc sửa chữa các phần bến tàu. Bến tàu sẽ được chuyển đến cảng Ashdod ở Israel và mất ít nhất một tuần để sửa chữa.
Bến tàu này gồm một khu vực rộng để đặt hàng tiếp tế dỡ xuống sau khi được vận chuyển bằng tàu và một đường nổi hẹp và dài để chở hàng viện trợ vào bờ ở Gaza. Các quan chức cho biết các phần của bến tàu này đã tách rời nhau từ ngày 26/5.
Phải kết nối khu vực dỡ hàng và con đường nổi thì sau đó mới có thể sử dụng được bến tàu này.
Bến tàu trị giá 320 triệu USD và bắt đầu được sử dụng vào ngày 17/5, nhưng sóng lớn đã buộc Mỹ phải dừng hoạt động chỉ một tuần sau đó. Bến tàu bị vỡ hai ngày sau.
Ngày 28/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết có rất nhiều viện trợ nhân đạo đã vào Gaza nhờ Mỹ can thiệp. Tuy nhiên, ông cho rằng đưa viện trợ tới miền Nam Gaza là một thách thức thực sự. Ông nói rõ: “Có một số điều khiến việc này trở thành thách thức. Một là việc đóng cửa khẩu Rafah, hai là các hoạt động quân sự đang diễn ra ở đó khiến mọi việc trở nên khó khăn”.
Bến tàu tạm thời nói trên nằm ở phía Bắc Rafah. Bến tàu này bị hư hỏng ba ngày sau khi biển động mạnh khiến hai tàu Mỹ phải cập bờ ở Israel. Hai tàu khác neo đậu gần bến tàu đã đứt dây neo và mắc cạn ở Gaza.
Bến tàu tạm thời được gọi là cơ sở hậu cần hỗn hợp trên bờ (JLOTS) và chỉ có thể hoạt động trong điều kiện tốt. Có nghĩa là có thể sử dụng bến tàu an toàn trong điều kiện sóng cao gần 1m và gió có tốc độ 24km/h.
Sóng lớn đã khiến bến tàu bị trì hoãn hoạt động trong nhiều tuần trong khi chờ đợi điều kiện tốt hơn ở Ashdod. Mỹ tuyên bố bến tàu này chỉ nhằm mục đích bổ sung cho hàng viện trợ đi qua các tuyến đường bộ thông thường.
Bến tàu trên được Tổng thống Joe Biden công bố lần đầu tiên trong Thông điệp Liên bang vào tháng 3.
Khi mở tuyến đường vận chuyển viện trợ bằng đường biển, Mỹ hy vọng sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng nhân đạo khiến hàng trăm nghìn người có nguy cơ phải chịu nạn đói ở Gaza. Chi phí xây dựng cảng nổi ước tính rơi vào khoảng 320 triệu USD và có 1.000 binh sĩ tham gia xây dựng.
Liên hợp quốc cho rằng tuyến đường trợ cấp qua đường hàng hải không thể thay thế cho tuyến đường trên đất liền, vốn cần phải là trọng tâm của các hoạt động viện trợ ở Gaza. Từ lâu, Liên hợp quốc và các nhóm viện trợ đã nói về những nguy hiểm và trở ngại trong việc nhận và phân phối viện trợ trên khắp Gaza.
Ít nhất 191 nhân viên của Liên hợp quốc đã mất mạng trong cuộc chiến kéo dài giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Gaza.
Các quan chức Mỹ cho biết trong giai đoạn đầu, bến tàu tạm thời sẽ tiếp nhận 90 xe tải mỗi ngày, nhưng sau đó con số có thể lên tới 150 xe tải.
Theo Liên hợp quốc, để giải quyết được khủng hoảng nhân đạo, cần 500 xe tải mỗi ngày vào Gaza. Trong khi đó, hồi tháng 4, khối lượng hàng hóa nhân đạo và thương mại cao nhất vào Gaza kể từ khi chiến tranh bắt đầu là trung bình 189 xe tải mỗi ngày. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận viện trợ đã giảm dần kể từ khi Israel bắt đầu chiến dịch quân sự ở khu vực Rafah.
Tình trạng thiếu nhiên liệu nghiêm trọng ở Gaza đã buộc Liên hợp quốc phải hạn chế dầu diesel và cảnh báo rằng các hoạt động viện trợ có thể bị ngừng lại.