ASEAN đã thể hiện tiếng nói chung và cách tiếp cận thống nhất trong những vấn đề quan trọng, tạo nên sức mạnh của một "bó đũa" vững chắc, qua đó khẳng định vai trò và vị thế của toàn khối cũng như mỗi quốc gia thành viên.
Chiến tranh thương mại và các biện pháp trả đũa lẫn nhau của các bên liên quan sẽ tạo ra môi trường lý tưởng để chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trỗi dậy, phủ bóng đen lên viễn cảnh phát triển của tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Đây cũng là chủ đề được đại biểu các nước quan tâm và bàn thảo nhiều tại các hội nghị cấp cao lần này.
Khu vực Đông Nam Á với thị trường rộng lớn hơn 630 triệu dân và tổng GDP trên 3.000 tỷ USD (số liệu thống kê năm 2017) được đánh giá sẽ tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Lãnh đạo các nước ASEAN tại hội nghị đều khẳng định kiên trì thúc đẩy thương mại và đầu tư thông qua các thể chế hợp tác đa phương tại khu vực, không để những nguy cơ của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ảnh hưởng tới khu vực.
Nguyên tắc chung được các nhà lãnh đạo ASEAN chia sẻ, là chỉ có trung thành với cơ chế mở cửa và tăng cường hợp tác kết nối, nhất thể hóa kinh tế khu vực mới tạo ra nền tảng cơ sở cũng như chỗ dựa vững chắc cho môi trường thương mại lành mạnh và ổn định tại khu vực. Cùng phối hợp, chung tay dựa trên những lợi ích cùng chia sẻ cũng là quan điểm của ASEAN trong quan hệ với các đối tác.
ASEAN và lãnh đạo các nước tham gia Hiệp định đối tác đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã đi đến chặng cuối của con đường đàm phán với quyết tâm sẽ hoàn thành tiến trình gian nan này trong năm 2019.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước ASEAN tại các hội nghị liên quan đã hoàn thành việc nâng cấp hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc; đề xuất nâng cấp hiệp định thương mại ASEAN-Hàn Quốc; tiếp tục tăng cường và mở rộng hơn nữa không gian hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Nhật Bản theo khuôn khổ của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP); thúc đẩy, đưa công tác kiểm định, đánh giá tổng thể hiệu quả của Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zeland (AANZFTA) bước sang giai đoạn mới, sau các bước tiến triển khả quan thời gian qua.
Một điểm nhấn khác tại hội nghị này là thỏa thuận thương mại điện tử đầu tiên của khối đã chính thức được ký kết. Nền kinh tế mạng của ASEAN đang được đánh giá là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới với hơn 300 triệu người dùng Internet.
Năm 2017, kinh tế mạng của ASEAN đạt khoảng 50 tỷ USD và dự kiến con số này sẽ tăng gấp 4 lần, lên 200 tỷ USD vào năm 2025, trong đó kim ngạch thương mại điện tử sẽ đạt khoảng 88 tỷ USD… Những kết quả trên đã và sẽ tiếp tục mở ra những viễn cảnh tươi sáng cho hợp tác kinh tế giữa ASEAN và các đối tác, hạn chế tối đa những tác động cùng hệ lụy của những diễn biến phức tạp và sự mất ổn định của môi trường thương mại toàn cầu hiện nay.
Tinh thần thống nhất, đoàn kết để tạo ra sức mạnh còn được ASEAN thể hiện khi thảo luận về giải pháp phối hợp đối phó với các thách thức an ninh đang hiện hữu tại khu vực. Nguyên tắc chung được các nước ASEAN khẳng định: trật tự khu vực dựa trên các quy tắc là điều kiện đảm bảo vững chắc cho cho sự ổn định và phát triển của ASEAN.
Tuy nhiên, trật tự này gần đây liên tục phải hứng chịu những áp lực tác động, lôi kéo và cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, trong đó bao gồm cả những hành động đơn phương của một số bên liên quan. Thêm vào đó, các vấn đề khủng bố, an ninh mạng và biến đổi khí hậu… cũng đang nổi lên trở thành các thách thức mới, đe dọa an ninh của khu vực.
Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định yêu cầu tiên quyết cần duy trì đoàn kết, thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN và củng cố một cấu trúc hợp tác khu vực rộng mở, minh bạch, dựa trên luật lệ. ASEAN đã nhất trí tăng cường khả năng phòng vệ tập thể, trung thành với nguyên tắc đa phương để chung tay ứng phó với các thách thức, duy trì sự hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Đây được đánh giá là một trong những kết quả quan trọng của hội nghị.
Đối với vấn đề Biển Đông, đa số các nước đối tác ASEAN đều khẳng định cùng chung tay nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi cho đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, để Biển Đông trở thành vùng biển của hòa bình, hợp tác và phát triển, trong đó có việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Sau khi ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về văn bản duy nhất để đàm phán COC, tại hội nghị lần này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nêu ý kiến Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực cùng ASEAN hoàn tất COC trong vòng 3 năm tới. Việc các bên thể hiện quyết tâm thúc đẩy đàm phán COC đã tạo bước tiến triển hướng tới xây dựng một bộ quy tắc góp phần duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.
Tuy nhiên, tiến trình đàm phán tới đây còn nhiều gian nan, đòi hỏi mỗi thành viên ASEAN cần quyết tâm cao cũng như tiếp tục kiên định với lập trường chung thống nhất của cả khối, để đạt được mục tiêu COC phải đạt hiệu quả và thực chất dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982.
Hội nghị ASEAN 33 khép lại đánh dấu một năm thành công của Singapore trên cương vị Chủ tịch luân phiên năm 2018. Thời cơ và thách thức vẫn đang hiện hữu, trong từng vấn đề hoặc lĩnh vực cụ thể có thể sẽ có những tiếng nói khác nhau, song sức mạnh đoàn kết đang được ASEAN duy trì và phát huy như một động lực đưa tổ chức gồm 10 quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong khởi xướng và dẫn dắt các cơ chế đa hợp tác phương tại khu vực.