Tại Ấn Độ Dương, một cây cầu dài 2,1km đã hiện diện nối thủ đô Malé của Maldives với sân bay quốc tế. Cây cầu Hữu nghị Trung Quốc- Maldives có kinh phí 200 triệu USD do Bắc Kinh tài trợ và nằm trong danh sách ngày càng tăng các dự án của Trung Quốc tại Maldives.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết vào tháng 8 vừa qua, Ấn Độ tuyên bố tạo gói 500 triệu USD xây dựng cầu dài 6,7km tại Maldives nối Malé với 3 đảo gần đó. Cây cầu do Ấn Độ hỗ trợ vốn đã vượt qua cầu Trung Quốc về chiều dài, quy mô và giá cả.
Cuộc đua hạ tầng này cho thấy đối đầu địa chính trị gia tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, xung đột đã gia tăng dọc biên giới Trung Quốc-Ấn Độ. Căng thẳng còn lan sang Ấn Độ Dương khi Ấn Độ quan ngại Trung Quốc muốn lấn sâu vào Maldives.
Dưới thời cựu Tổng thống Abdulla Yameen-người giữ ghế lãnh đạo từ năm 2013, Maldives xa rời Ấn Độ và thân thiết hơn với Trung Quốc. Malé nhận được hàng trăm triệu USD hỗ trợ từ Bắc Kinh để phát triển các dự án. Nhưng việc ông Yameen thất bại trong cuộc bầu cử cuối năm 2018 đã trao cho Ấn Độ cơ hội để hàn gắn quan hệ với đồng minh truyền thống.
Ông Manoj Joshi tại Quỹ nghiên cứu Observer trụ sở ở New Delhi nhận định: “Maldives vô cùng quan trọng với chúng tôi. Động thái của Ấn Độ tại Maldives sẽ không ảnh hưởng tới an ninh Trung Quốc. Nhưng có nhiều điều Trung Quốc có thể hành động tại Maldives gây tác động đến Ấn Độ”.
Các mối quan hệ
Maldives với nửa triệu dân là quốc gia nhỏ bé nhất châu Á về diện tích và dân số. Tuy nhiên, Maldives nằm trên vùng biển có vị trí chiến lược đồng thời thuộc tuyến hàng hải quan trọng tại Ấn Độ Dương.
Theo ước tính, một nửa giao dịch ngoại thương của Ấn Độ và 80% năng lượng nước này nhập khẩu đều đi qua tuyến đường biển gần Maldives. Dầu thô Trung Quốc nhập khẩu từ Trung Đông và châu Phi, chiếm 62% tổng lượng nhập khẩu của nước này, cũng được vận chuyển qua tuyến hàng hải gần Maldives.
Ấn Độ trong nhiều thập niên đóng vai trò là đồng minh thân cận nhất của Maldives. Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Maldives sau khi nước này giành độc lập khỏi Anh năm 1965. Ấn Độ còn hỗ trợ Maldives ngăn chặn cuộc đảo chính năm 1988. Năm 2004, Ấn Độ cử 3 tàu hải quân hỗ trợ Maldives sau sóng thần Ấn Độ Dương.
Dưới sáng kiến Vành đai Con đường, Maldives trở thành “mắt xích trọng yếu” trong “con đường tơ lụa trên biển” nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi. Trước năm 2011, Trung Quốc thậm chí không có đại sứ quán tại Malé. Năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên đến thăm Maldives, mở đường cho hàng loạt dự án đầu tư của Bắc Kinh tại đây.
Cây cầu Trung Quốc
Hoàn thành năm 2018, cựu Tổng thống Abdulla Yameen đã ca ngợi cầu Hữu nghị Trung Quốc- Maldives là “dấu mốc” trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia.
Cây cầu không chỉ kết nối Malé với sân bay quốc tế mà còn tạo đường đến với đảo Hulhumalé. Dự án cải tạo đất hình thành Hulhumalé được khởi động từ năm 1997 để giảm tải số cư dân đông đảo 150.000 người ở Malé. Hiện nay đảo Hulhumalé có 50.000 người dân và dự kiến sẽ mở rộng bao gồm 240.000 cư dân trong tương lai. Trong nhiều năm, cách duy nhất để di chuyển giữa Malé và Hulhumalé là bằng phà.
Câu cầu Hữu nghị Trung Quốc- Maldives có tổng chi phí 200 triệu USD với Trung Quốc trợ cấp cấp 116 triệu USD và cho vay 72 triệu USD, phần còn lại do chính phủ Maldives chịu trách nhiệm.
Nhưng nhiều dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cả cây cầu Hữu nghị Trung Quốc- Maldives, đã để lại “núi nợ”. Nhà nghiên cứu David Brewster tại Đại học Quốc gia Australia nhận xét: “Có nhiều quan ngại về khả năng Maldives trả được số nợ cho Trung Quốc”.
Tháng 11/2019, cựu Tổng thống Yemeen nhận bản án 5 năm tù vì tội rửa tiền và chính phủ mới cáo buộc ông này ký hợp đồng đầu tư của Trung Quốc với phí tốn kê thêm (không có thật). Cuộc điều tra về cáo buộc này đang được tiến hành.
Ngân hàng Thế giới nhận định Maldives là quốc gia Nam Á chịu tác động lớn nhất bởi dịch COVID-19. Trong tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá Maldives có nguy cơ cao rơi vào tình trạng kiệt quệ nợ khi Trung Quốc chiếm giữ tới 53% nợ bên ngoài của Maldives.
Theo cựu Tổng thống Mohamed Nasheed, đến cuối năm nay, Maldives cần phải trả 83 triệu USD cho Trung Quốc và 320 triệu USD khác trong năm 2021.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh luôn “gắn sự quan trọng đối với ổn định nợ của Maldives”.
Quan hệ nồng ấm
Dưới chính quyền mới, Maldives đã quan tâm hơn tới Ấn Độ và New Delhi cũng sẵn sàng hàn gắn mối quan hệ song phương. Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, tổng hỗ trợ tài chính của nước này cho Maldives đã vượt qua mức 2 tỷ USD kể từ khi ông Ibrahim Mohamed Solih trở thành tổng thống.
Một tháng sau khi ông Ibrahim Mohamed Solih chính thức giữ chiếc ghế mới, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố hỗ trợ 1,4 tỷ USD cho Maldives. Đến tháng 8 năm nay, Ấn Độ thông báo gói 500 triệu USD xây những cây cầu nối Malé với đảo Vilingili, Gulhifalhu và Thilafushi. Trong đó gồm 400 triệu USD khoản vay mềm và 100 triệu USD trợ cấp. Theo Ngân hàng Exim của Ấn Độ, khoản vay mềm được cấp cho Maldives ở lãi suất thấp 1,75% trong 20 năm.
Hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng khác của Ấn Độ cũng đang được thi công tại Maldives bao gồm sân vận động và bệnh viện tại Hulhumalé, cải tạo sân bay ở Hanimaadhoo.
Ông Joshi đánh giá vẫn có hạn chế đối với lượng đầu tư cơ sở hạ tầng và tài chính mà Ấn Độ có thể hỗ trợ Maldives. Ấn Độ cũng đang chịu tác động lớn lên kinh tế từ dịch COVID-19 với quãng thời gian phong tỏa toàn quốc. Ngân hàng Thế giới trong tháng 7 dự đoán một nửa dân số Ấn Độ có nguy cơ rơi vào tình trạng đói nghèo do thất nghiệp và không có thu nhập.
Nghệ thuật cân bằng
Trung Quốc là “nguồn cung cấp khách du lịch dồi dào” với Maldives. Như vậy, Trung Quốc là thị trường quan trọng để Maldives phục hồi lĩnh vực du lịch sau dịch COVID-19. Ngoại trưởng Maldives Abdulla Shahid trong bài phỏng vấn với Xinhua vào tháng 7 có nhận định: “Trung Quốc đang và sẽ là đối tác kinh tế, phát triển song phương quan trọng của Maldives”.
Cùng thời điểm này, Maldives cũng gắn kết hơn với Mỹ và Nhật Bản. Trong tháng 9, Nhật Bản mở rộng khoản vay 47,5 triệu USD hỗ trợ Maldives vượt qua khủng hoảng dịch COVID-19. Tháng 10, trong chuyến thăm các nước Nam Á và Đông Nam Á kéo dài 5 ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ mở đại sứ quán tại Malé. Trước đó, trong tháng 9, Mỹ và Maldives đã ký một thỏa thuận quốc phòng.
Nhà nghiên cứu Brewster nhận định: “Những động thái này của các quốc gia cùng quan điểm hỗ trợ Ấn Độ và đảm bảo chính phủ Maldives không nằm dưới tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh”.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong thời gian qua đồng nghĩa với việc Maldives cần duy trì tốt mối quan hệ với cả 2 nước này.