Trong chiến dịch quảng bá mỹ phẩm của thương hiệu thời trang bình dân Zara ra mắt hôm 15/2, công ty này đã đăng tải hình ảnh người mẫu Trung Quốc Li Jingwen với gương mặt chưa qua chỉnh sửa đầy tàn nhang, nhiều người dùng mạng xã hội bắt đầu đưa ra những tranh luận về những vết tàn nhang của cô và định nghĩa vẻ đẹp ở Trung Quốc.
Ngay lập tức, một số người dùng mạng xã hội đã phản đối thương hiệu Tây Ban Nha vì xây dựng hình ảnh người phụ nữ Trung Quốc “xấu xí”. Nhiều người khác bức xúc cho rằng Zara đã bôi nhọ vẻ đẹp của người phụ nữ Á Đông và thậm chí là cố ý hạ thấp nhan sắc của người Trung Quốc.
Một hashtag cho vụ việc này trên Weibo (trang Blog của Trung Quốc) đã xuất hiện trong hơn 55.000 bài đăng với hơn 500 triệu lượt xem .“Phụ nữ châu Á chúng tôi không có tàn nhang, hoặc chỉ một số ít người có”, một trong những bình luận được nhiều người thích nhất chia sẻ.
“Zara đã rất nỗ lực để tìm ra một người mẫu có tàn nhang, giống như tìm kiếm một cây kim trong đám cỏ”, một tài khoản người dùng Weibo khác cho biết.
Các bình luận này gợi nhớ đến những chỉ trích gần đây với một thương hiệu phương Tây khác – thương hiệu Dolce & Gabbana, nhãn hiệu thời trang này cũng đã phải đối mặt với những phản ứng dữ dội khi đăng tải video quảng cáo một người mẫu châu Á đang cố ăn những món ăn Italy bằng đũa.
Một số phụ nữ Trung Quốc cho rằng làn da trắng không tì vết thường liên quan đến sự thanh lịch, tinh khiết, là biểu hiện của một cơ thể khỏe mạnh. Tàn nhang trên gương mặt bị cho là xấu xí và thể hiện tình trạng sức khỏe kém. Một trong những ý kiến vô lý hơn từ quảng cáo một loại thuốc gia truyền của Trung Quốc lại chia sẻ tàn nhang là biểu hiện của các bệnh về nội tiết.
Sau sự cố, hôm 16/2, đại diện Zara cho biết hãng không có ý xấu nhắm vào người Trung Quốc, bức ảnh được chụp theo phong cách hoàn toàn tự nhiên, không chỉnh sửa, người mẫu chỉ sử dụng son môi để làm nổi bật sản phẩm.
Trang báo China Youth Daily (Trung Quốc) đưa tin, “Không phải Zara đang bôi xấu hình ảnh người Trung Quốc, mà chính những người Trung Quốc không hài lòng về khuôn mặt tàn nhang đã vô tình xúc phạm đến người mẫu này chỉ vì vẻ ngoài của cô, chính họ đã làm tổn thương đồng bào của họ”.
Ở Trung Quốc, khái niệm làm đẹp thường liên quan đến làn da mịn màng, chính vì vậy các sản phẩm trắng da được bán phổ biến trong nước. Trước khi đăng một tấm hình lên mạng xã hội, nhiều người phụ nữ sử dụng ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh để có làn da không tì vết, trắng sáng hơn, với đôi mắt to tròn hơn.
Những người phàn nàn về quảng cáo mới của Zara có thể đang cố gắng bảo vệ hình ảnh của quốc gia nhưng hành động của họ cũng cho thấy họ quá nhạy cảm và thiếu tự tin.
Hy vọng rằng chiến dịch của Zara và những tranh luận xung quanh chiến dịch này có thể giúp mọi người có thái độ tích cực với tàn nhang và người Trung Quốc hãy học cách luôn yêu bản thân mình bất kể họ có đáp ứng được những tiêu chuẩn về vẻ đẹp hay không.