Theo trang The Guardian (Anh), trên 90% dân số Cuba đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19 nội địa, trong khi 83% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Con số này đưa Cuba vươn lên vị trí thứ 2 trên toàn cầu về tỷ lệ tiêm chủng. Trong số các quốc gia trên 1 triệu dân, chỉ có Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất có thành tích tiêm chủng cao hơn.
Ông John Kirk, Giáo sư nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Dalhousie ở Canada nhận định: “Việc đất nước chỉ với 11 triệu dân, với thu nhập hạn chế, trở thành một cường quốc công nghệ sinh học, có thể là điều khó hiểu đối với một người làm việc tại Pfizer. Nhưng với Cuba, đó là điều hoàn toàn có thể”.
Cách đây nhiều thập kỷ, cựu Chủ tịch Fidel Castro từng tuyên bố rằng ông muốn Cuba trở thành một “quốc gia của khoa học” và đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ sinh học trong nước. Động lực đó đã thúc đẩy nguồn tài chính công đổ vào Viện Finlay, mở đường cho các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm phát triển ở Cuba. Giờ đây, Cuba là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất, ngoài Brazil, có khả năng sản xuất vaccine nội địa. Người dân nước này cũng được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân miễn phí.
Trong đại dịch COVID-19, giống như hầu hết các nước Mỹ Latinh, Cuba biết rằng họ sẽ gặp khó khăn trong việc mua vaccine trên thị trường quốc tế. Do đó, vào tháng 3/2020, khi nguồn dự trữ ngoại hối giảm mạnh do mất doanh thu từ du lịch và các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, các nhà khoa học trên khắp hòn đảo đã bắt tay vào việc nghiên cứu và bào chế vaccine.
Mọi nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng. Vào mùa xuân này, Cuba đã trở thành quốc gia nhỏ nhất trên thế giới tự phát triển và sản xuất thành công vaccine COVID-19 nội địa. Điều này giúp quốc đảo nhỏ bé không cần phải cạnh tranh vaccine như các quốc gia khác trên thế giới. Kể từ đó, đội ngũ nhân viên y tế của quốc gia đã dốc toàn lực triển khai tiêm chủng nhanh chóng, thậm chí cho cả trẻ nhỏ. Điều đáng ghi nhận là việc tiêm chủng ở hòn đảo này đều là tự nguyện.
Theo các thử nghiệm lâm sàng do Cuba tiến hành vào năm ngoái, cả hai loại vaccine nội địa của quốc gia này đều có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong do COVID-19. Vaccine Abdala của Cuba có hiệu quả phòng bệnh tới 92% sau 3 mũi. Ngoài ra, cơ quan y tế Cuba cho biết ứng cử viên vaccine đầy tiềm năng Soberana 2 cũng có hiệu quả 91% khi kết hợp với mũi tăng cường Soberana Plus. Các loại vaccine này cũng không cần bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ sâu như một số loại vaccine khác, điều rất hữu dụng với một số quốc gia thiếu cơ sở hạ tầng để bảo quản vaccine.
Hal Klepak, Giáo sư danh dự về lịch sử và chiến lược tại Trường Cao đẳng Quân sự Hoàng gia Canada, cho biết: “Cuba là một quốc gia có thực sự rất giỏi trong những việc lớn. Họ đã hoàn thành toàn bộ ý tưởng về điện khí hóa đất nước trong vòng chưa đầy một thập kỷ, xóa nạn mù chữ trong 2,5 năm. Tất cả đều là những kế hoạch không thể tưởng. Nhưng họ đã làm được điều đó!”.
Giờ đây, với chương trình tiêm phòng COVID-19, việc triển khai vaccine nhanh chóng đã giúp Cuba làm giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mức cao nhất vào mùa hè năm ngoái xuống mức thấp nhất hiện nay. Hồi tháng 8/2021, quốc đảo này ghi nhận hàng trăm ca tử vong vì COVID-19 mỗi tuần. Nhưng tuần trước, Cuba chỉ báo cáo 3 ca tử vong.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy Cuba đã thành công trong việc thiết lập chương trình xét nghiệm, truy vết và cách ly hiệu quả. Nhiều bác sĩ, y tá và sinh viên ngành y luôn tận tuỵ tư vấn cho người dân về các triệu chứng COVID-19 và tìm kiếm các ca mắc tiềm ẩn. Hiện Cuba có nhiều bác sĩ trên đầu người hơn bất kỳ đất nước nào khác trên thế giới. Thậm chí, quốc gia này đã cử 2.000 y tá, bác sĩ đến hỗ trợ nhân đạo các bệnh viện ở nước ngoài.
Cuba cũng đang có kế hoạch chia sẻ vaccine của mình với nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vaccine và dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng, như Argentina, Mexico và Jamaica. Iran cũng bắt đầu sản xuất hàng loạt vaccie Soberana 2 của Cuba sau khi tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. Vào tháng 6/2021, Venezuela trở thành quốc gia nước ngoài đầu tiên nhận vaccine của Cuba.
Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Cuba cũng phải đối mặt với biến thể Omicron. Theo hãng tin Reuters, Cuba đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Omicron vào ngày 8/12/2021.
Sau khi ghi nhận ít hơn 100 ca nhiễm/ngày trong nhiều tuần, tỷ lệ lây nhiễm ở Cuba hiện đang tăng lên do biến thể mới rất dễ lây lan. Các nhà khoa học vẫn chưa công bố dữ liệu về hiệu quả của vaccine nội địa chống lại Omicron, nhưng họ đã bắt đầu nghiên cứu để cập nhật vaccine ngăn ngừa biến thể mới này.
Trong khi đó, Bộ Y tế Cộng đồng Cuba đã nhanh chóng thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine tăng cường và đặt mục tiêu tiêm 1 mũi vaccine bổ sung cho toàn bộ người dân trong tháng này.