Trên nền nhạc ca ngợi lòng yêu nước và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, họ múa cờ và đánh trống trong vòng 1 tiếng.
Những phụ nữ này được triển khai tại các địa điểm lớn hoặc tuyến giao thông chính, điển hình như khách sạn Ryugyong và nhà ga tàu Bình Nhưỡng. Mỗi nhóm mặc một loại trang phục khác nhau nhưng cùng chung đạo cụ hỗ trợ là biểu ngữ, cờ vải đỏ và trống đỏ.
Họ biểu diễn những đường múa uyển chuyển, mềm mại – trong nét mặt nghiêm trang - nhằm thúc đẩy tinh thần lao động của người dân Bình Nhưỡng. "Chúng tôi thực hiện phương thức tuyên truyền này với mong muốn đem lại niềm vui cho Chủ tịch", cô Kim Chun-hui trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Pháp AFP sau màn biểu diễn múa cờ ngày 9/3 bên ngoài khách sạn Ryugyong.
“Chúng tôi khích lệ người dân đạt được thành tích lớn hơn trong công việc”, người phụ nữ 47 tuổi chia sẻ, “Vì vậy, chúng tôi không biết mệt mỏi là gì. Chúng tôi xem công việc này là niềm tự hào lớn và đây là việc mình cần làm”.
Được áp dụng từ năm 2016, hoạt động biểu diễn quần chúng này nằm trong hai đợt phát động nâng cao hoạt động sản xuất mang tên “Trận chiến 70 ngày” và “Trận chiến 200 ngày”. Triều Tiên thường sử dụng thuật ngữ quân sự để đặt tên cho các mục tiêu kinh tế quốc gia.
“Các trận chiến” đã kết thúc từ lâu song hoạt động múa cờ - tên chính thức là "Hoạt động ủng hộ của các thành viên của Hội Phụ nữ Xã hội Chủ nghĩa trong giờ cao điểm" – vẫn diễn ra 6 ngày trong tuần.
Tất cả phụ nữ không tham gia lực lượng lao động ở Triều Tiên đều thuộc hội trên, tuổi từ 30 – 50. Phụ nữ quốc gia Đông Bắc Á này thường nghỉ việc sau khi kết hôn và sinh con.