Nông dân trồng mía tại bang Uttar Pradesh rất coi trọng Đảng Bharatiya Janata (BJP) do ông Modi cầm quyền, tuy nhiên họ vô cùng phẫn nộ vì các nhà máy đường không trả tiền họ đúng thời hạn, nhiều cuộc biểu tình và chặn đường ray xe lửa đã diễn ra.
Trước tình hình cấp bách đó, Thủ tướng Narenda Modi có những chia sẻ và cam kết: “Tôi biết rằng người dân đang bức xúc vì những khoản nợ bán mía chưa được trả. Tôi đảm bảo sẽ thanh toán đầy đủ cho nhân dân không thiếu xu nào”.
Trước đó, nhiều nhà máy đường ở Ấn Độ phải đối mặt với khoản nợ hàng tỷ USD của khoảng 50 triệu nông dân trồng mía, trong số đó có những người còn chưa được trả tiền trong gần 1 năm.
Ông Niti Ayog, một nhà nghiên cứu của chính phủ cho biết số tiền nợ bị khất đã đạt đến mức báo động, ngoài ra hơn 12 triệu tấn đường chưa được bán đang chất đống trong các nhà máy. Việc thúc đẩy xuất khẩu đường còn nhiều hạn chế vì giá đường của Ấn Độ cao hơn giá đường trên thế giới.
Đường là mặt hàng thương mại quan trọng hàng đầu ở Ấn Độ, trong vụ mía cuối cùng kéo dài từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 4 năm nay, 252 nhà máy đã sản xuất ra hơn 30 triệu tấn đường. Điều này giúp Ấn Độ vươn lên trở thành nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới, đánh bại Brazil.
Một lượng lớn nhà máy được điều hành bởi các hợp tác xã – nơi nông dân đang sở hữu cổ phần tương ứng với số đất của họ và luôn đảm bảo cung cấp đủ sản phẩm cho các nhà máy. Bên cạnh đó, còn có khoảng 30 triệu nông dân sống tập trung tại một khu vực cũng được thuê trồng mía và hàng triệu người trong các nhà máy và trang trại làm công việc vận chuyển mía.
Cũng như phần lớn tình hình chính trị của Ấn Độ, những người trồng mía được coi là “ngân hàng bỏ phiếu” trong cuộc bầu cử này.
Sản lượng mía của bang Uttar Pradesh và Maharashtra, vốn chiếm 60% lượng đường của đất nước, đưa 128 nghị sĩ ngồi vào ghế quốc hội. Theo một ước tính, giá mía có thể làm dao động hơn 150 trong số 545 ghế trong cuộc tổng tuyển cử đang diễn ra. Có thể thấy rằng, đường là “loại cây trồng mang tính chính trị nhất thế giới”, ông Shekhar Gaikwad, ủy viên phụ trách mía đường của bang Maharashtra cho biết.
Ấn Độ cũng là đất nước có người tiêu thụ đường khá lớn, phần lớn đường được cung cấp vào sản xuất đồ ngọt, bánh kẹo và đồ uống có ga giống như những quốc gia khác trên thế giới.
Chính phủ đã quy định giá mía đường, phân bổ hạn ngạch sản xuất, xuất khẩu và đưa ra các khoản trợ cấp hậu hĩnh có lợi cho những người trồng mía, chủ sở hữu các nhà máy đường. Bên cạnh đó, các ngân hàng nhà nước cũng hỗ cho nông dân và các nhà máy vay tiền để làm nông nghiệp và sản xuất, khi các nhà máy hết vốn thì quỹ công cộng sẽ được sử dụng để đảm bảo cho họ.
“Tôi kiếm được khoảng 7.000 rupee (100 USD) từ việc sản xuất đường mỗi tháng. Khoản tiền đó không phải là lớn, nhưng đó là nguồn thu nhập đảm bảo”, anh Sanjay Anna Kole, một chủ trang trại mía tại quận Kolhapur, bang Maharashtra cho biết.
Tuy nhiên, lợi nhuận có thể giảm dần khi việc hỗ trợ giá quá hào phóng cho các nhà máy mua mía đã vượt xa mức giá bán đường. Trong số các nhà sản xuất lớn Thái Lan, Brazil và Australia thì Ấn Độ là quốc gia trả giá mía cao nhất cho nông dân.
Nhưng sự tham gia của các chính trị gia có lẽ không thể giúp đỡ được vấn đề này. Từ khi thành lập những nhà máy đầu tiên vào thập niên 50 của thế kỷ trước, các chính trị gia đã sở hữu hoặc giành quyền kiểm soát chúng bằng cách giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hợp tác xã. Hơn 5 Bộ trưởng ở Maharashtra – bang trồng mía lớn thứ hai của Ấn Độ đều sở hữu các nhà máy đường.
Một nghiên cứu về mối liên hệ giữa các chính trị gia và nhà máy đường của ông Sandip Sukhtankar, phó Giáo sư kinh tế tại Đại học Virginia (Mỹ), phát hiện ra rằng 101 trong số 183 nhà máy ở Maharashtra có hồ sơ của các chủ tịch tranh cử trong cuộc bầu cử ở các bang hoặc quốc gia từ năm 1993 đến năm 2005.
Các Đảng chính trị đã bị cáo buộc sử dụng tiền của nhà máy đường để tài trợ cho các chiến dịch tranh cử. “Người ta sẽ nghĩ rằng có lẽ các đảng chính trị không được hưởng lợi từ việc hợp tác với các nhà máy đường và có nhiều động lực để cải cách ngành sản xuất này, tuy nhiên có thể thấy rằng có những nguồn lực trong ngành công nghiệp đường đã được khai thác cho mục đích chính trị”, tiến sĩ Sukhtankar cho biết.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, vụ mùa thất bại của Ấn Độ đã bị sa lầy trong khủng hoảng mía đường. Nông dân và các nhà máy bức xúc vì họ không nhận được mức giá hợp lý cho vụ mía đường của họ. Anh Suresh Mahadev Gatage, một người trồng mía hữu cơ ở Kolhapur chia sẻ: "Đối với tôi, ngành công nghiệp này giống như đã ở lúc xế chiều. Chắc sẽ không có tương lai nào cho cây mía tồn tại nữa”.
Đài BBC (Anh) đánh giá sự bất ổn của những người nông dân càng đáng lo ngại hơn khi vào tháng 1 vừa qua, hàng ngàn người trồng mía giận dữ bất ngờ tấn công vào văn phòng của ông Shekhar Gaikwad ở thành phố Pune yêu cầu các nhà máy phải trả tiền đúng thời hạn. Cuộc đàm phán này đã kéo dài suốt 13 giờ. “Văn phòng của tôi đã bị ném đá mỗi ngày vì những người nông dân tức giận”, ông Gaikwad nói.
Một trong những yêu cầu của nông dân là bắt giữ một bộ trưởng nhà nước, người đang đứng đầu ba nhà máy trong bang và đã vỡ nợ trong vụ kiện mía của mình. Khi các cuộc đàm phán kết thúc vào nửa đêm, các nhà chức trách đã ra lệnh thu giữ đường từ các nhà máy vi phạm và mang ra bán lẻ.
Trong khi đó, người ta hoàn toàn lãng quên rằng việc trồng mía đường đã gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái Ấn Độ. Hơn 60% lượng nước có sẵn dành cho canh tác ở Ấn Độ được tiêu thụ cho việc trồng lúa và mía, hai loại nông sản chiếm 24% diện tích canh tác.
Ông Raju Shetti, một nhà lãnh đạo nổi tiếng cho rằng việc kiểm soát giá cả phải được nới lỏng, hơn nữa những công ty nước giải khát và dược phẩm nên trả nhiều tiền hơn khi mua đường.
“Chúng tôi cần định giá chênh lệch cho đường. Chỉ nên cung cấp đường giá rẻ cho những người không đủ khả năng. Phần còn lại sẽ phải trả giá cao hơn. Nếu không, ngành công nghiệp mía đường sẽ sụp đổ và nông dân sẽ gặp khó khăn. Ngay cả các chính trị gia cũng không thể cứu được”, ông chia sẻ thêm.