Ước tính trên cao hơn gấp ba lần dự báo của CBO vào tháng trước. Dự báo mới nhất của CBO được đưa ra sau khi Quốc hội Mỹ gấp rút thực hiện nhiều gói viện trợ với tổng trị giá gần 3.000 tỷ USD, nhằm hỗ trợ các công nhân và doanh nghiệp trong giai đoạn nước này thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Ông Phil Swagel, người đứng đầu CBO, cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong giai đoạn từ tháng 4 - 6/2020 được dự báo sẽ giảm 12%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở mức 14%. Ông lưu ý rằng những dự báo trên đã bao gồm các tác động dự kiến từ những nỗ lực viện trợ của chính quyền liên bang.
CBO dự kiến tăng trưởng sẽ trở lại với nền kinh tế Mỹ trong nửa cuối năm khi các lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng. Mức tăng trưởng của quý III ước vào khoảng 5,4% và quý IV là 2,5%. Nhưng ông Swagel cũng cảnh báo rằng những thách thức trong nền kinh tế và thị trường lao động Mỹ dự kiến sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài nữa.
Sang năm 2021, GDP thực tế của Mỹ được dự báo sẽ tăng 2,8% - thấp hơn dự báo trước đó, còn thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ thu hẹp xuống mức 2.100 tỷ USD.
Trong khi đó, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cam kết mua số lượng trái phiếu Kho bạc Mỹ không giới hạn, CBO dự báo mức nợ liên bang sẽ tăng lên tương đương 101% GDP vào cuối năm tài chính kết thúc vào tháng 9/2020.
Các dự báo mới còn tồi tệ hơn nhiều so với những ước tính mới được đưa ra vào đầu tháng Tư. CBO đã xem xét dữ liệu tính đến ngày 23/4, khi Bộ Lao động Mỹ báo cáo số lao động mất việc làm tại nước này tăng vọt lên hơn 26 triệu người kể từ giữa tháng Ba.
Và với việc các hãng hàng không gần như ngừng hoạt động, Bộ Thương mại Mỹ ngày 24/5 đã báo cáo rằng số đơn đặt hàng mới cho hàng hóa lâu bền đã giảm 14,4% trong tháng Ba, chủ yếu là hủy đơn đặt hàng cho máy bay Boeing. Tình trạng đó một phần do đại dịch COVID-19, một phần do cuộc khủng hoảng 737 MAX đã kéo dài hơn một năm của nhà sản xuất máy bay này.
Các báo cáo độc lập và thống kê từ chính phủ cũng cho thấy doanh số bán nhà đã lao dốc, trong khi người tiêu dùng đang trở nên bi quan hơn và chi tiêu ít hơn.
Song giới phân tích chỉ ra rằng mặc dù các số liệu trên đều đáng lo ngại, chúng chỉ bao gồm giai đoạn tháng Ba. Do vậy tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều trên tất cả các lĩnh vực trong tháng Tư, khi việc ngừng các hoạt động kinh tế lan rộng hơn và kéo dài cả tháng trời.
Trong bảng cập nhật số liệu mới nhất dịch COVID-19, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về cả số ca nhiễm và số ca tử vong. Tính đến sáng 25/4 (theo giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận thêm 35.851 ca nhiễm COVID-19 so với một ngày trước đó, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 922.293 ca, tương đương khoảng 1/3 số ca trên toàn thế giới. Số ca tử vong của Mỹ cũng tăng 1.827 ca lên 25.969 ca. Số ca được chữa khỏi là 110.432 ca.