Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong một thông báo, Tiến sĩ Robert Redfield cho biết khuyến nghị chính thức này của CDC được đưa ra theo quyết định của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) ngày 11/12 về việc cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của công ty Pfizer-BioNTech. Do các trường hợp mắc COVID-19 mới tiếp tục tăng nhanh trên khắp nước Mỹ nên khuyến nghị của CDC được đưa ra vào thời điểm quan trọng.
Theo ông Redfield, việc tiêm phòng vaccine trên được tiến hành sớm nhất vào ngày 14/12 và đây là nỗ lực nhằm bảo vệ người dân Mỹ, giảm tác động của đại dịch COVID-19 và giúp khôi phục lại một số hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày của người dân cũng như nước Mỹ.
Khuyến nghị cũng cho biết các cơ sở y tế cần theo dõi những người bị dị ứng trong tối đa 30 phút sau khi tiêm. Người cao tuổi sống tại các trại dưỡng lão và các nhân viên y tế là những người đầu tiên được tiêm vaccine. Nhóm được tiêm trong giai đoạn tiếp theo là những người lao động thiết yếu, những người có bệnh lý cơ bản và những người trên 65 tuổi.
Các lô hàng vaccine đầu tiên rời nhà máy của công ty Pfizer ở bang Michigan trong sáng 13/12 với khoảng 184.275 lọ được vận chuyển trong 190 hộp. Theo kế hoạch, khoảng 390.000 lọ vaccine sẽ được bổ sung trong ngày 14/12. Lực lượng thực thi pháp luật sẽ hộ tống các lô vaccine đến một sân bay, sau đó hai công ty chuyển phát nhanh là UPS and FedEx có nhiệm vụ chuyển tới 636 địa điểm trên khắp nước Mỹ cho đến trước ngày 16/12 tới.
Mặc dù hoan nghênh nỗ lực chưa từng có trong việc bào chế, phát triển và thử nghiệm vaccine, giới chức vẫn khuyến cáo người dân Mỹ không nên lơ là trong phòng dịch. Trả lời phỏng vấn trong chương trình "This Week" của kênh ABC, Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy cho hay diễn biến dịch trong những tuần tới sẽ phức tạp hơn, do vậy ông mong người dân tiếp tục các biện pháp chống dịch ở mức độ cao nhất. Bên cạnh đó, giới chức y tế cũng triển khai một chiến dịch thông tin vaccine hướng tới những đối tượng hiện vẫn hoài nghi về độ an toàn của vaccine.
Theo ông Stephen Hann, quan chức thuộc CDC, miễn dịch cộng đồng là cách để vượt qua giai đoạn khó khăn này và điều này chỉ có thể có được nhờ tiêm chủng cho nhiều người.
* Trong khi đó, tối 13/12 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, do hãng Pfizer và BioNTech phát triển, đã tới nước này để chuẩn bị cho chương trình chủng ngừa sớm nhất là vào ngày 14/12.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, trên tài khoản Twitter, Thủ tướng Trudeau đã đưa ra thông tin trên đính kèm hình ảnh chiếc máy bay vận chuyển vaccine. Lô vaccine này gồm 30.000 liều vaccine, được sản xuất tại Bỉ và được vận chuyển qua các nước Đức và Mỹ trước khi chia tách để chuyển tới các điểm phân phối tại Canada.
Theo Cơ quan Y tế Công cộng Canada, vaccine bắt đầu được vận chuyển đến 14 địa điểm phân phối trên khắp đất nước trong tối 13/12. Hiện 10 tỉnh của Canada đã có địa điểm nhận vaccine, nhưng vaccine chưa tới được các vùng lãnh thổ. Giới chức y tế cho biết, nhiệt độ bảo quản -70 C của vaccine Pfizer-BioNTech khiến việc dự trữ vaccine ở các vùng lãnh thổ trở nên khó khăn. Nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi sống tại các cơ sở chăm sóc y tế sẽ là những người đầu tiên được tiêm chủng. Chính quyền tỉnh Manitoba cho biết đã nhận được hơn 100.000 cuộc gọi từ những người cố gắng đặt lịch hẹn tiêm vaccine.
Theo Thiếu tướng Dany Fortin, người phụ trách việc phân phối vaccine COVID-19 của Chính phủ Canada, nước này đang chuẩn bị các bước để tiếp nhận vaccine của Moderna với hy vọng Bộ Y tế Canada sớm phê duyệt loại vaccine này. Các vùng lãnh thổ tại Canada đặc biệt quan tâm đến vaccine Moderna vì loại vaccine này đặt ra ít thách thức về hậu cần hơn trong quá trình phân phối, so với vaccine của Pfizer-BioNTech phải bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh.
* Cũng liên quan đến vaccine ngừa COVID-19, Tòa án tối cao Brazil đã yêu cầu Bộ Y tế nước này trong vòng 48 giờ đồng hồ phải ấn định thời điểm khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19.
Trong phán quyết, Thẩm phán Ricardo Lewandowski đã yêu cầu Bộ trưởng Y tế Eduardo Pazuello phải đưa ra thời điểm triển khai kế hoạch quốc gia về tiêm chủng vaccine, vốn được công bố 1 ngày trước đó. Chương trình này đặt ra mục tiêu giai đoạn đầu là chửng ngừa cho cho 51 triệu người, tức 25% dân số Brazil, trong nửa đầu năm 2021. Các đối tượng nhận được liều vaccine đầu tiên gồm các nhân viên y tế, người cao tuổi và người thiểu số.
Hiện, Brazil là quốc gia đứng thứ hai thế giới về số người tử vong do COVID-19, sau Mỹ, với 181.419 người, trong khi số ca mắc bệnh là 6.901.990 trường hợp. Từ đầu mùa dịch, chính quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro vấp hứng chịu chỉ trích mạnh mẽ từ chính quyền các bang và quan chức y tế do kế hoạch ứng phó với đại dịch COVID-19 thiếu hiệu quả.