Sự cố xảy ra ngày 5/1 vừa qua, chiếc máy bay 737 MAX 9 do hãng hàng không Alaska Airlines của Mỹ vận hành bị bung một mảng lớn ở phần thân và buộc phải hạ cánh khẩn cấp.
Phát biểu trước các nhân viên của Boeing tại một cuộc họp về vấn đề an toàn của máy bay, CEO Dave Calhoun thừa nhận sự cố xảy ra là "lỗi của chúng ta" và hãng sẽ phối hợp với các nhà quản lý để lỗi này "không bao giờ xảy ra một lần nữa". Ông cũng nêu rõ các phát hiện liên quan sự cố đang được xử lý theo hướng "vấn đề về kiểm soát chất lượng", đồng thời khẳng định Boeing sẽ tiếp cận vấn đề này một cách "hoàn toàn minh bạch 100% trong mỗi bước đi".
Tuyên bố nói trên là sự nhận lỗi công khai đầu tiên của Boeing sau sự cố của máy bay 737 MAX 9. Ông Calhoun - người nắm giữ vị trí CEO của Boeing từ tháng 1/2020 khi hãng này rơi vào khủng hoảng sau hai vụ tai nạn liên quan máy bay 737 MAX khiến gần 350 người thiệt mạng - cam kết phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông vận tải quốc gia Mỹ (NTSB) điều tra vụ việc này.
Theo kết quả điều tra ban đầu của NTSB, dòng máy bay 737 MAX 9 được lắp thêm một bảng điều khiển được gọi là "nút chặn cửa" để thay thế lối thoát hiểm, thiết kế để chở được nhiều hành khách hơn. Tuy nhiên, bảng điều khiển này đã bị nổ trong quá trình bay dẫn đến sự cố bung một phần thân máy bay.
Ngoài ra, các chuyên gia của Alaska Airlines và United Airlines - một hãng hàng không khác của Mỹ cũng sử dụng máy bay 737 MAX 9 - ngày 8/1 đã phát hiện các bulông trên chốt cửa của một số máy bay Boeing 737 MAX 9 bị lỏng. Theo một số chuyên gia, vấn đề này có thể do sai sót trong khâu chế tạo hoặc kiểm duyệt chất lượng.
Trong khi đó, Tổng cục Hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) ngày 9/1 thông báo đã phát hiện lỗi thiếu linh kiện ở một máy bay Boeing 737 Max. Cơ quan này đã tiến hành kiểm tra toàn bộ 40 máy bay Boeing 737 MAX đang khai thác và phát hiện một số máy bay bị thiếu một vòng đệm so với mẫu thiết kế.
Từ ngày 5/1, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã đình chỉ hoạt động đối với 171 máy bay 737 MAX 9 để tiến hành kiểm tra trước khi cho phép hoạt động trở lại. Ngày 8/1, FAA cho biết đã thông qua lộ trình để các hãng hàng không sở hữu loại máy bay nói trên hoàn thành công tác kiểm tra.
Trong năm 2023, Boeing đã đạt chỉ tiêu giao máy bay mới theo các đơn hàng, nhưng vẫn chỉ là hãng sản xuất máy bay lớn thứ 2 thế giới, tiếp tục xếp sau đối thủ Airbus năm thứ 5 liên tiếp. Theo các nguồn thạo tin, Boeing đã bàn giao 528 máy bay trong năm 2023, trong khi Airbus giao 735 chiếc.