Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), tại kỳ họp toàn thể thường niên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (hay còn gọi là “Chính Hiệp"), ông William Ding Lei – người sáng lập công ty NetEase có trụ sở tại thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) – cho rằng quốc gia nên hình thành một chương trình học lập trình kéo dài liên tục từ cấp tiểu học cho đến trung học phổ thông, cũng như xây dựng một thư viện tài nguyên để giúp các học viên trẻ tiếp thu kỹ năng.
Đề xuất của ông bao gồm việc đưa lập trình trở thành một phần nội dung trong các kỳ kiểm tra học thuật, nhấn mạnh lập trình sẽ trở thành một yêu tố “quan trọng” trong hệ thống giáo dục. Trong đề xuất, ông Ding cũng đề nghị chính phủ thiết lập một nền tảng giáo dục kỹ thuật số trên toàn quốc, duy trì các phương pháp học trực tuyến tương tự như trong thời dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hỗ trợ trẻ em tại những khu vực hẻo lánh hoặc kém phát triển tiếp cận tài nguyên giáo dục chất lượng cao.
Đề xuất của CEO Ding được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đặt mục tiêu đứng đầu toàn cầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, từ trí tuệ nhân tạo đến công nghệ chuyển đổi số blockchain, thúc đẩy nhu cầu về các nhà phát triển và kỹ sư máy tính.
Sách trắng của Trung Quốc về công nghiệp công bố hồi tháng 12/2019 đã chỉ ra chính tình trạng thiếu hụt tài năng công nghệ cao đã cản trở quá trình mở rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc.
Trên thực tế, đã có nhiều bậc phụ huynh cho con em mình học lập trình trước cả khi vào tiểu học. Họ gửi con đến các cơ sở dạy lập trình. Xu hướng này trở nên phổ biến khi cha mẹ các em tin rằng kỹ năng lập trình vô cùng cần thiết cho thanh thiếu niên Trung Quốc, do chính phủ nước này đang đẩy mạnh phát triển công nghệ.
Theo công ty phân tích Internet Analysys tại Trung Quốc, giá trị thị trường của ngành giáo dục lập trình cho trẻ em nước này vào năm 2017 đạt 7,5 tỷ nhân dân tệ (24,5 tỷ đồng). Giá trị này dự báo vượt 37,7 tỷ NDT (123,5 tỷ đồng) vào năm 2020.
Năm 2017, Bắc Kinh ban hành kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó đề xuất giảng dạy môn lập trình ở cả tiểu học và trung học. Nước này còn xuất bản cuốn sách giáo khoa AI đầu tiên vào năm ngoái. Tỉnh Chiết Giang thậm chí đưa môn này vào kỳ thi tuyển sinh đại học. Những lớp học lập trình không hề hiếm. Phụ huynh nào cũng muốn trang bị những kỹ năng tốt nhất cho con mình để phù hợp với xu hướng.
Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên gợi ý cho học sinh sớm tiếp cận với kỹ năng lập trình.
Tại Israel, lập trình trở thành một môn học bắt buộc tại các trường trung học phổ thông. Năm 2014, Anh áp dụng chương trình tin học quốc gia, trong đó có các bài học lập trình, cho trẻ lên 5. Cùng năm, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết gây dựng quỹ 4 tỷ USD cho giáo dục khoa học máy tính trong các trường công lập.
Hết ngày 21/5, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của Trung Quốc cho biết nước này đã ghi nhận 2 ca mắc bệnh COVID-19 mới, thấp hơn 3 ca so với một ngày trước đó. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở Trung Quốc là 82.967 bệnh nhân. Tổng số ca tử vong vẫn duy trì ở con số 4.634 người.