Ủy ban này cũng đã thông qua một kiến nghị phát lệnh triệu tập chính thức hai lãnh đạo của Facebook tới Ủy ban Đạo đức Canada nếu họ đặt chân tới quốc gia này.
Chủ tịch Ủy ban quyền cá nhân và đạo đức Canada Bob Zimmer cho rằng ủy ban này đại diện cho 402 triệu dân trên thế giới, vì vậy, việc ông chủ Facebook không xuất hiện điều trần trước ủy ban cho thấy những bình luận công khai của tỷ phú công nghệ này về việc hợp tác với các nghị sĩ là không thành thật.
Tuy hai nhân vật trên không xuất hiện nhưng các giám đốc chính sách Kevin Chan và Neil Potts đã tới tham dự phiên điều trần và bị chất vấn gắt gao.
Ủy ban quốc tế về dữ liệu lớn, quyền riêng tư và dân chủ cũng đang tổ chức các phiên điều trần trong tuần này tại Ottawa để xem xét các biện pháp ngăn chặn tình trạng lạm dụng truyền thông xã hội dẫn tới hậu quả như rò rỉ thông tin cá nhân, lan truyền thông tin giả mạo và can thiệp bầu cử.
Năm ngoái, Ủy ban này cũng đã họp tại London, với sự tham dự của các nghị sĩ đến từ Argentina, Anh, Canada, Chile, Estonia, Đức, Mexico và Singapore. Ủy ban cũng đã mời các đại diện của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon, Apple, Facebook, Microsoft, Mozilla, Twitter và Google cùng các quan chức phụ trách vấn đề quyền riêng tư và bầu cử, tham gia chất vấn.
Sau cuộc họp, ủy ban đã khuyến nghị cần có biện pháp quản lý các công ty truyền thông xã hội sau bê bối Công ty tư vấn Cambridge Analytica khai thác trái phép thông tin của hàng triệu người sử dụng Facebook.
Trước khi diễn ra các buổi điều trần ngày 27/5, Facebook, Google và Microsoft đã ký tuyên bố cam kết bảo vệ tính minh bạch của cuộc bầu cử liên bang tháng 10 tới tại Canada, trong đó có cam kết gỡ bỏ các tài khoản và nội dung truyền thông xã hội không đúng sự thật. Tuy nhiên, một số công ty công nghệ lớn khác trong đó có mạng xã hội Twitter không ký cam kết này.