Theo CEZ, trong nửa đầu năm 2023, CH Séc đã nhập khẩu hơn 1 tỷ m3 khí đốt thông qua cơ sở LNG Eemshaven của Hà Lan. Lượng khí đốt này được 12 tàu vận chuyển từ Mỹ và tương đương 15% nhu cầu cả năm của CH Séc. CEZ cho biết thêm, khí đốt nhập khẩu từ Na Uy đáp ứng phần còn lại trong tổng lượng khí đốt tiêu thụ của CH Séc.
Bộ trưởng Công Thương Séc Jozef Sikela khẳng định cơ sở LNG Eemshaven góp phần đáng kể giúp tăng cường an ninh năng lượng của CH Séc cũng như của châu Âu. Bộ trưởng Sikela cho biết lượng khí đốt nhập khẩu qua Eemshaven có thể đáp ứng tới 40% nhu cầu tiêu thụ trong năm nay của nước này. Bên cạnh đó, CH Séc cũng đang đàm phán với Đức và Ba Lan để có thể sử dụng thêm các cơ sở ven biển khác của các nước láng giềng nhằm tăng nhập khẩu LNG. Cũng theo ông Sikela, các bể chứa khí đốt của CH Séc hiện được lấp đầy 89%, tương đương 3 tỷ m3, nhiều hơn khoảng 400.000 m3 so với năm ngoái.
Hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Công Thương Séc thông báo lần đầu tiên trong lịch sử, nước này cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga, vốn chiếm tới 97% nhu cầu của Séc, về mức 0 trong quý đầu tiên năm 2023. Tuy nhiên, bộ này thừa nhận nguồn cung chưa thực sự chắc chắn nên giảm tiêu thụ vẫn là giải pháp quan trọng.
Cơ sở LNG Eemshaven nằm ở cửa sông Emze đổ ra Biển Bắc thuộc tỉnh Groningen của Hà Lan. Tổng công suất xử lý của cơ sở này là hơn 8 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Ngoài tập đoàn CEZ của Séc, hãng Shell của Hà Lan và Engie của Pháp đang sử dụng cơ sở LNG Eemshaven. Truyền thông Séc cho biết chi phí thuê mà nước này phải trả lên tới hàng chục triệu euro mỗi năm, song không có thông tin về con số cụ thể. CEZ chịu trách nhiệm đàm phán với các đối tác để đưa khí đốt từ Hà Lan qua Đức về Séc.