Thực trạng đáng báo động này đã buộc chính phủ nhiều nước, các tập đoàn công nghệ cũng như các hãng truyền thông trên thế giới phải cấp tốc đưa ra các biện pháp ngăn chặn tin giả mạo, thất thiệt, tích cực đăng tải những thông tin chính thống, đáng tin cậy nhằm dập tắt những đồn đoán vô căn cứ gây hoang mang.
Đơn cử như nguồn gốc của virus 2019-nCoV, nhiều nội dung đăng trên các trang mạng xã hội Facebook và Twitter nói rằng một số chính phủ đã "bí mật" tạo ra hoặc cấp phép phát triển chủng virus này, với các mục tiêu như "để bán các loại vaccine" hay "phát triển vũ khí sinh học". Một nội dung như vậy đăng trên Twitter đã được chia sẻ khoảng 5.000 lần trên trang mạng xã hội này tính đến ngày 27/1, mặc dù các bên thứ ba kiểm chứng khẳng định đây là thông tin giả.
Một số tin giả khác phát tán thông qua những nhóm kín trên Facebook. Có hơn 1.100 người dùng Facebook đã tham gia nhóm “Theo dõi cảnh báo virus corona”, trong đó các thành viên trao đổi những giả thuyết xung quanh sự lây lan của virus cùng với những đường dẫn kết nối đến những địa chỉ mua khẩu trang và thiết bị y tế khác.
YouTuber Jordan Sather, người sở hữu một kênh riêng trên mạng chia sẻ video YouTube thậm chí còn chia sẻ một đường link về hồ sơ đăng ký bản quyền từ năm 2015 của Viện Pirbright (Anh) về việc một chủng virus corona (đã bị làm suy yếu) được sử dụng trong điều chế vaccine ngăn ngừa và điều trị các bệnh về đường hô hấp. Chính Viện Purbright sau đó đã phải đăng tuyên bố trên trang web của viện làm rõ rằng nghiên cứu này chỉ mở rộng sang các loại virus có ảnh hưởng tới gia cầm và lợn- chứ không phải là chủng mới xuất hiện ở người. Một số video tung tin giả khác cũng xuất hiện trên trang mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới, trong đó 1 video với hơn 430.000 lượt xem đưa ra những thông tin đáng ngờ về nguồn gốc của 2019-nCoV và cách thức lây lan của chủng virus này.
Sau khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt một video ghi lại cảnh một nhân vật có ảnh hưởng người Trung Quốc ăn một bát súp chế biến từ dơi, vốn được cho là nguồn gốc gây ra dịch 2019-nCoV. Dù hãng tin BBC (Anh) đã đăng tải thông tin khẳng định video kể trên không hề được ghi hình tại Vũ Hán hay địa phương nào khác ở Trung Quốc, mà được quay từ năm 2016 tại quần đảo Palau (Pa-lau) ở Tây Thái Bình Dương để quảng bá các món ăn địa phương, song những hình ảnh này đã phần nào kích động tâm lý phân biệt kỳ thị, nhất là đối với người Trung Quốc.
Đặc biệt, những thông tin giả mạo, phóng đại về tốc độ lây lan hay số người nhiễm và tử vong do virus được chia sẻ liên tục, khiến cả cộng đồng lo sợ. Đoạn video dài 11 phút trên Youtube, trong đó nói rằng virus corona chủng mới đã khiến 180.000 người tử vong tại Trung Quốc, đồng thời đưa ra những phương pháp điều trị sai cách, thu hút hơn 20.000 lượt xem. Trong một bài đăng trên website cá nhân hôm 23/1, người dẫn chương trình truyền thanh Hal Turner (Han Tơ-nơ) của Mỹ lại khẳng định đã có 112.000 người tử vong và 2,8 triệu người nhiễm chủng virus corona mới. Ảnh chụp màn hình một dòng thông báo trên Twitter, với 3.335 lần được đăng lại và 305 lượt thích, của hãng Channel News Asia (CNA) có trụ sở tại Singapore cho biết các trường học tại Singapore phải đóng cửa vì dịch 2019-nCoV. Tuy nhiên, CNA khẳng định ảnh chụp màn hình nói trên được phát tán trên nền tảng mạng xã hội WhatsApp thực chất là giả mạo, và đã được sửa từ một bài đăng khác. Tại Indonesia, một trong những nước có lượng người truy cập Internet lớn nhất thế giới, với khoảng 130 triệu người dùng, Bộ Thông tin nước này đã phát hiện ít nhất 50 tin đồn nhảm lan truyền trên mạng về dịch bệnh 2019-nCoV.
Trước thách thức này, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo rằng những thông tin giả mạo xung quanh dịch viêm đường hô hấp mới bùng phát đang làm suy yếu cuộc chiến chống virus và WHO đang không chỉ chống lại dịch bệnh, mà cả sự lây lan của tin giả, trong nhiều trường hợp còn nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng hơn cả virus corona chủng mới đang hoành hành.
Nhằm đối phó với tình trạng trên, các tổ chức và chính phủ nhiều nước trên thế giới đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn và xử lý các đối tượng tung tin giả về virus 2019-nCoV. Chính phủ Thái Lan đã thành lập Trung tâm Chống tin giả phối hợp với Đơn vị Chống tội phạm công nghệ của Cảnh sát Hoàng gia Thái. Tới nay, nhà chức trách Thái Lan đã bắt giữ 6 đối tượng tung tin giả liên quan virus 2019-nCoV. Việc phát tán tin giả như vậy vi phạm Luật Tội phạm mạng Thái Lan, theo đó hành vi đăng tải hoặc chia sẻ thông tin không có căn cứ trên mạng Internet, gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, an toàn công cộng hoặc hoảng loạn cho công chúng, có thể bị phạt tiền lên đến 100.000 baht (hơn 3.200 USD), hoặc phạt tù lên đến 5 năm.
Indonesia và Kazakhstan đến nay cũng đã bắt giữ tổng cộng 4 đối tượng lan truyền thông tin giả mạo. Theo luật pháp Indonesia, nếu bị kết tội, các đối tượng có thể phải lĩnh án tù lên tới 3 năm, trong khi luật hình sự Kazakhstan quy định mức án 1 năm tù giam.
Tại Malaysia, 12 người đã bị bắt giữ và hàng chục người khác đang bị điều tra vì hành vi đăng tin giả về virus 2019-nCoV. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định chính phủ nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh do chủng mới của virus corona, đồng thời cảnh báo sẽ xử lý mạnh tay với hành vi phát tán tin giả về dịch bệnh. Trung Quốc cũng thông báo các tổ chức xã hội lan truyền các thông tin giả mạo và sai lệch hoặc tham gia các hoạt động bất hợp pháp trong giai đoạn dịch bệnh trên bùng phát sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Các hãng công nghệ như Facebook, Twitter, Google và Youtube cũng đang đẩy mạnh biện pháp ngăn chặn "virus" tin giả càn quét trên các nền tảng trực tuyến. Chỉ trong vài ngày gần đây, 7 tổ chức cộng tác với Facebook đã công bố 9 bản kiểm chứng thông tin và phát hiện hàng loạt tin giả liên quan đến chủng mới của virus corona. Facebook thông báo đã dán nhãn những thông tin thiếu chính xác và đẩy bài viết xuống dưới trang hiển thị bài đăng hằng ngày của người dùng. Bên cạnh đó, trang mạng xã hội lớn nhất thế giới còn tuyên bố sẽ thẳng tay xóa các bài đưa ra các thông tin sai lệch hoặc những giả thuyết mà các tổ chức và chuyên gia y tế uy tín trên toàn cầu cho là có thể gây hại cho những người tin vào, đồng thời cung cấp cho người dùng thông tin chính xác từ các cơ quan y tế quốc tế như WHO và các bên thứ ba kiểm chứng thông tin trên toàn cầu.
Trong khi đó, Twitter thông báo điều chỉnh bộ lọc tìm kiếm, theo đó bất cứ khi nào người dùng gõ các từ khóa liên quan đến 2019-nCoV, các thông tin chính thống và có kiểm chứng sẽ được hiển thị lên đầu mục. Biện pháp này là một phần trong chiến dịch của Twitter mang tên #KnowTheFacts (Biết sự thật) hiện triển khai ở 15 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Mỹ, Anh, Singapore, Australia.... và sáng kiến này sẽ tiếp tục được nhân rộng do nhu cầu "Biết sự thật" đang ngày càng gia tăng. Ở Mỹ, Twitter khuyến nghị người dùng tìm kiếm những từ khóa liên quan của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC).
Tương tự, "gã khổng lồ" công nghệ trong lĩnh vực tìm kiếm Google đã công bố một tính năng mới hợp tác với WHO mang tên "Cảnh báo SOS" (SOS Alert), với hy vọng sẽ mang tới người dùng những thông tin thiết thực và có giá trị, đồng thời kiểm soát sự lan truyền và hướng tới loại bỏ hoàn toàn các thông tin sai lệch, tin đồn thất thiệt gây hoang mang. Người dùng có thể dễ dàng nhìn thấy "Cảnh báo SOS" ngay ở phần đầu trang khi tìm kiếm thông tin liên quan 2019-nCoV trên Google. Thú vị hơn nữa, khi nhấp vào cảnh báo đó và cuộn chuột xuống, người dùng sẽ bước vào kho tài nguyên những thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh, cũng như những lời khuyên có ích để phòng nhiễm bệnh như "Hãy rửa sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc chà tay với cồn".
Không nằm ngoài nỗ lực ngăn chặn tin giả, Youtube đang đầu tư mạnh nhằm nâng cao nội dung đáng tin cậy, theo đó ưu tiên hiển thị những nguồn tin chuẩn xác đồng thời giảm thông tin giả phát tán trên trang chia sẻ video này. Trước mối đe dọa nổi lên từ các video "deepfake", sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo các video rất giống thật nhưng hoàn toàn bịa đặt, YouTube thông báo sẽ xóa bất kỳ nội dung nào được chỉnh sửa về kỹ thuật có thể tạo ra "nguy cơ nghiêm trọng gây tổn thương lớn". Trang mạng xã hội TikTok của Trung Quốc cũng quyết định cấm "những thông tin gây sai lạc", trong khi Facebook thông báo sẽ dỡ bỏ "deekfake" và các video dàn dựng trên nền tảng của mình, dủ vẫn để lại những nội dung mang tính hài hước và không gây hại.
Cùng với các trang mạng xã hội, chính phủ các nước và các hãng truyền thông cũng vào cuộc mạnh mẽ. Bộ Thông tin Malaysia triển khai chiến dịch “Thông tin trên bánh xe” để tăng hiểu biết của người dân về virus chủng mới, bao gồm 52 chương trình như phát tờ rơi, thông báo các bước cần thiết để tránh làm lây lan virus, khuyến cáo người dân tiếp nhận thông tin chính xác từ các nguồn tin cậy như của WHO. Thông qua ứng dụng trao đổi tin nhắn WhatsApp, Chính phủ Singapore đã gửi đi các thông tin y tế đến cho người dân để cập nhật tình hình. Bên cạnh đó, các hãng truyền thông tích cực đăng tải thông tin chính thống, có kiểm chứng tới đông đảo người dân.
Có thể thấy, những lời đồn thổi, thêu dệt và thông tin giả mạo, bịa đặt trên các phương tiện truyền thông đại chúng về dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra cũng là một loại "virus" nguy hiểm cho cộng đồng. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, khi mà vạn vật đều được kết nối Internet, tác động của tin giả càng trở nên nghiêm trọng bởi người dùng quá dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn thông tin không chính thống. Chống "virus" tin giả lúc này cũng cấp bách và quan trọng như chống dịch 2019-nCoV, đòi hỏi sự tham gia chủ động, quyết liệt và có trách nhiệm cả cộng đồng, từ các chính phủ, tập đoàn công nghệ và các hãng truyền thông tới người dân, trên cả cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.