Pushpa làm nghề nông và có 2 con nhỏ, khi 26 tuổi, cô thường phải chịu cơn đau bụng dữ dội mỗi kỳ kinh nguyệt. Mặc dù Pushpa dùng thuốc giảm đau trong 2 năm nhưng tình hình không thuyên giảm, do vậy một bác sĩ đã khuyên nữ nông dân trẻ này phương pháp chữa khác đó là phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Rất nhiều phụ nữ khác ở Beed đã chấp thuận trải qua ca mổ này.
Nay ở tuổi 37, cô Pushpa chia sẻ: “Đó không phải là quyết định dễ dàng. Nhưng chồng tôi khuyến khích bởi đau bụng gây ảnh hưởng đến việc đồng áng. Nhưng sau khi cắt bỏ tử cung, tôi đã tăng cân do rối loạn hormol”.
Theo truyền thông Ấn Độ, trong 3 năm qua, đã có hơn 4.500 phụ nữ trẻ tại Beed chấp nhuận cắt bỏ tử cung.
Tờ Aljazeera cho biết có 2 lý do chính khiến ngày càng nhiều nữ nông dân Ấn Độ chấp nhận cắt bỏ cổ tử cung. Thứ nhất, nhiều bác sĩ đã cố tình thuyết phục những phụ nữ này tin rằng việc cắt bỏ tử cung là cần thiết, từ đó họ thu lợi nhuận qua tiến hành phẫu thuật với chi phí cao.
Một số bác sĩ còn nói với nữ nông dân rằng việc cắt bỏ tử cung có thể giúp phòng ngừa bệnh ung thư. Giá thành phẫu thuật cắt bỏ tử cung tại bang Maharashtra là 35.000 rupee (khoảng 11,6 triệu đồng) trong khi mức thu nhập trung bình ngày của họ chỉ rơi vào khoảng 202 rupee (66.000 đồng).
Nhiều phụ nữ Ấn Độ tin rằng sau khi sinh con thì tử cung không còn nhiều giá trị do vậy họ tìm đến việc phẫu thuật cắt bỏ.
Lý do thứ hai xuất phát từ quan điểm cho rằng kinh nguyệt tác động đến khả năng lao động.
Beed là một khu vực thường xuyên khô hạn với cây mía là nguồn thu nhập chính cho người nông dân. Trong mùa thu hoạch mía từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm, người phụ nữ thường phải thức dậy từ 4 giờ để nấu bữa sáng cho cả gia đình. Đến 6 giờ họ ra đồng, rồi làm việc quần quật đến 18 giờ 30 phút tối mới trở về nhà.
Tuy nhiên vì thiếu nước, công việc cũng trở nên ít ỏi hơn do vậy nhiều nữ công nhân không muốn bỏ lỡ cơ hội làm việc vì chu kỳ hàng tháng của họ. Công việc đồng áng thường đòi hỏi sức khỏe ở phần thân trên của cơ thể. Sau khi cắt mía và bó chúng lại, những người phụ nữ sẽ vận chuyển phần thu hoạch bằng đầu.
Những người thuê nữ nông dân thu hoạch mía thường chi tiền công cho một năm vào khoảng 150.000 rupee. Để nhận được số tiền này, các nữ nông dân thường phải làm việc tất cả các ngày.
Ủy ban Phụ nữ Quốc gia đã đề nghị bang Maharashtra hành động để kết thúc “mối đe dọa từ việc cắt bỏ tử cung”. Một ủy ban đặc biệt được thành lập ngày 18/6 tại hội đồng tư pháp Maharashtra. Ủy ban này bao gồm 7 thành viên là bác sĩ, nhà nghiên cứu và nhà hoạt động nhân quyền. Họ tiến hành nghiên cứu và phác thảo kế hoạch để ngăn chặn tình trạng cắt bỏ tử cung tiếp diễn.