Theo đài RT, các quan chức ở Budapest và Bratislava xác nhận trong tuần này rằng việc cung cấp dầu mà họ mua từ Lukoil thông qua mạng lưới đường ống dẫn dầu Druzhba (Hữu nghị) đã cạn kiệt.
Công ty vận tải dầu Transpetrol của Slovakia cho biết các đợt giao hàng dầu không phải do tập đoàn Lukoil của Nga cung cấp thì dường như không bị ảnh hưởng cho đến nay.
Còn theo Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, Budapest đang nhận dầu qua đường ống TurkStream, chạy từ Nga qua Biển Đen đến đông nam châu Âu, trong khi nguồn cung cấp qua đường ống Druzhba đã bị dừng “do tình hình pháp lý mới” từ Kiev.
Ông Szijjarto cho hay: “Chúng tôi hiện đang nghiên cứu một giải pháp cho phép khởi động lại quá trình vận chuyển dầu vì dầu của Nga rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của chúng tôi”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 19/7 cho biết Moskva không chắc liệu có thể đối thoại với các công ty Ukraine chịu trách nhiệm vận chuyển dầu về vấn đề này hay không.
“Quyết định này được đưa ra không phải ở cấp độ kỹ thuật mà ở cấp độ chính trị. Chúng tôi không có bất kỳ cuộc đối thoại nào ở đây”, ôngPeskov nói.
Druzhba là một trong những mạng lưới đường ống dẫn dầu dài nhất và lớn nhất thế giới, với công suất vận chuyển khoảng 66,5 triệu tấn dầu mỗi năm. Mạng lưới phân nhánh ở miền nam Belarus thành tuyến phía bắc chạy qua Ba Lan đến miền đông nước Đức và tuyến phía nam chạy qua tây nam Ukraine đến biên giới Hungary và Slovakia.
Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc đã đàm phán với Brussels vào cuối năm 2023 để cho phép họ duy trì nhập khẩu dầu của Nga qua đường ống, với lý do thiếu khả năng tiếp cận các nguồn hàng khác bằng đường biển và thiếu cơ hội nhận được lượng dầu đáng kể từ các nước khác. Trong khi đó, nguồn cung dầu của Nga đến Ba Lan và xa hơn về phía tây tới Đức thông qua nhánh phía bắc Druzhba đã bị Warsaw tạm dừng vào đầu năm 2023.
Tháng trước, Ukraine chính thức cấm vận chuyển dầu thô do Lukoil – công ty dầu mỏ lớn thứ hai của Nga sản xuất, qua đoạn Druzhba chạy qua Ukraine.
Nhà phân tích tài chính kỳ cựu Paul Goncharoff nhận định, động thái này báo hiệu một bước đi thiển cận khác, sẽ gây tổn hại cho người dân Ukraine về lâu dài.
“Liệu Ukraine có đủ khả năng để leo thang hơn nữa tình hình xung quanh việc trung chuyển các nguồn năng lượng hay không là một điểm cần tranh luận. Sự leo thang trên tất cả các mặt trận đã vượt qua mọi giới hạn hợp lý, về mặt chính trị, kinh tế và quân sự. Họ không đủ khả năng chi trả về mặt kinh tế cũng như về mặt chính trị vì họ hiện đã ghẻ lạnh cả Slovakia và Hungary”, ông Goncharoff nói với Sputnik.
Nhà quan sát này cảnh báo: “Hậu quả thực sự sẽ trở nên rất rõ ràng sau 3-4 tháng nữa khi mùa đông đến ở Ukraine và mọi thiện chí về năng lượng có thể vẫn còn ở các quốc gia láng giềng Ukraine sẽ cạn kiệt hoặc không còn tồn tại”.
Ông Goncharoff cho biết, ở giai đoạn này, các nhà xuất khẩu dầu của Nga không liên kết với Lukoil vẫn có thể vận chuyển dầu qua đường ống Druzhba, nhưng “khả năng này sẽ tiếp tục trong bao lâu thì ai cũng đoán được”.
“Trong các cuộc thảo luận mà tôi đã tham gia với những người có liên quan chặt chẽ đến hoạt động thương mại này, có những giải pháp hoán đổi đang được xem xét để không làm mất đi các nguồn lực cần thiết và đã được ký hợp đồng với Slovakia hoặc Hungary. Đáng tiếc là, thực tế chính trị cho thấy rất có thể bất kỳ giải pháp giải quyết nào cũng sẽ khiến phương Tây phản đối và họ cũng sẽ tìm cách ngăn chặn các giải pháp đó”, nhà phân tích thị trường Goncharoff nói.
Dòng dầu và khí đốt của Nga tới châu Âu đã giảm đáng kể sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát. Sự suy giảm dòng năng lượng của Nga về phía tây đã thúc đẩy Mosvka định hướng lại một phần thương mại năng lượng của mình sang các đối tác BRICS (đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ) đồng thời thúc đẩy các nước EU và Anh khởi động một cuộc tranh giành toàn cầu nhằm đảm bảo năng lượng cần thiết cho nền kinh tế của họ.
Những nỗ lực của phương Tây nhằm trừng phạt Nga bằng cách cắt giảm mua năng lượng cho đến nay đã có hiệu ứng boomerang, làm tăng giá và suy yếu khả năng cạnh tranh công nghiệp toàn cầu của châu Âu trước Trung Quốc và Mỹ. Đức, cường quốc công nghiệp truyền thống của châu Âu, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, phải đối mặt với sự rút lui của các nhà sản xuất lớn đang tìm kiếm những "đồng cỏ xanh" hơn và chi phí năng lượng rẻ hơn ở nước ngoài.