Chặng đường dài đối thoại cho Syria

Ngày 11/2, phái đoàn chính phủ Syria và phe đối lập đã có cuộc tiếp xúc trực tiếp tại Geneva, Thụy Sĩ trong khuôn khổ Vòng đàm phán thứ hai Hội nghị hòa bình quốc tế về Syria (gọi tắt là Geneva-2). Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của các bên liên quan, dù trước mắt sẽ là một chặng đường đầy chông gai.


“Vốn liếng” và quan điểm các bên tại Geneva-2


Hội nghị Geneva-2 diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột Syria kéo dài gần 3 năm, làm 130.000 người chết, hàng triệu người buộc phải ly hương hoặc đi tị nạn ở nước ngoài. Phái đoàn chính phủ Syria và phe đối lập đến Geneva khi mà chưa bên nào khẳng định được ưu thế trên bàn đàm phán.

 

Đặc phái viên Lakhdar Brahimi phát biểu trong buổi họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 11/2. Ảnh: THX/TTXVN


Trên chiến trường, quân đội chính phủ Syria liên tiếp mở các cuộc phản công, giành được nhiều thắng lợi quan trọng tại Aleppo, Homs, ngoại ô Damascus... đẩy quân đối lập vào thế phòng thủ bị động. Quân nổi dậy không còn giữ được sự đoàn kết, rơi vào hình thái cuộc chiến “hai trong một” - vừa chống lại quân chính phủ, vừa giao tranh với các nhóm Hồi giáo cực đoan thuộc mạng lưới của al-Qaeda như nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông (ISIL), Mặt trận al Nusra... Trên bình diện quốc tế, chính phủ Syria đã thể hiện sự hợp tác đối với tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học, có thể sẽ đáp ứng yêu cầu giải giáp toàn bộ vào thời hạn chót là ngày 30/6. Tuy nhiên, sự hậu thuẫn từ bên ngoài đối với chính quyền của Tổng thống Assad có thể đã suy giảm ít nhiều.


Quan hệ “ấm lên” giữa Iran với Mỹ và phương Tây buộc Tehran phải cân nhắc trong các bước can dự tại Syria. Sự ủng hộ của Moskva đối với Damascus cũng đang bị đặt dấu hỏi, do những sức ép trong việc thực hiện thỏa thuận với Mỹ hồi tháng 7 vừa qua. Ở phía bên kia, phe đối lập tiếp tục nhận được sự trợ giúp “tích cực” của Mỹ, phương Tây và một số nước Hồi giáo trong vùng, nổi bật là Saudi Arabia. Thế nhưng, Liên minh dân tộc Syria (SNC) - cánh chính trị chủ chốt trong phái đoàn tham gia Hội nghị Geneva-2, lại bị các nhóm đối lập trong nước tẩy chay.


Mang theo những “lá bài tẩy” khác nhau, không có gì là ngạc nhiên khi phái đoàn chính phủ Syria và phe đối lập thể hiện quan điểm đối chọi ngay từ đầu tại Geneva. Đánh giá về cuộc tiếp xúc giữa hai bên hôm 11/2, Đặc phái viên chung về Syria của Liên hợp quốc Lakhar Brahimi cho rằng, các cuộc gặp đã khởi đầu một cách “khó nhọc” và hầu như không đạt tiến triển. Đến nội dung cơ bản nhất là nghị trình đàm phán cũng chưa tìm được tiếng nói chung.


Đại diện chính phủ Syria cho biết sẽ đàm phán từng điểm một được đề cập trong Tuyên bố chung tại Hội nghị Geneva-1 (6/2012), nhưng phải bắt đầu từ chống khủng bố, chống can dự từ bên ngoài tại Syria, không được đề cập đến vai trò của Tổng thống Barshal al-Assad. Trong khi đó, phát ngôn viên phe đối lập Louay Safi nhìn nhận cần phải tập trung vào việc thiết lập chính phủ chuyển tiếp, không có sự hiện diện của ông Assad, coi đây là cách duy nhất để chấm dứt xung đột.


Hy vọng gì từ Vòng đàm phán thứ hai?


Giải pháp chính trị hiện được xem là sự lựa chọn tối ưu nhất cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Cả Nga và Mỹ - hai nước giữ vai trò quyết định trong tiến trình đàm phán kể từ Geneva-1 đến nay, đều nhất trí hướng đi, tuy còn khác biệt ở lộ trình, bước đi cụ thể. Phe đối lập sẽ vẫn phải tính đến đàm phán trực tiếp, khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ và phương Tây viện tới giải pháp quân sự. Thậm chí Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier còn nhìn nhận, phe đối lập "chỉ có thể giành thắng lợi khi tham gia vào các cuộc đàm phán chính trị". Đối với chính phủ Syria, tham gia vào Geneva-2 đánh dấu sự tái hòa nhập của Damascus vào nền ngoại giao quốc tế, là dịp để chính quyền Tổng thống Assad thể hiện tiếng nói, quan điểm về tình hình thực tế tại Syria.

 

Một gia đình Syria tại thành phố Aleppo.Ảnh: AFP - TTXVN


Các cuộc tiếp xúc lâm vào bế tắc, nhưng cũng đã xuất hiện tín hiệu tích cực. Hai bên về cơ bản đã nhất trí rằng tiến trình đối thoại chính trị cần phải bắt đầu trên một tài liệu nền tảng - đó là Tuyên bố chung tại Hội nghị Geneva-1. Điểm mấu chốt nhất hiện nay là cách hiểu, cắt nghĩa của các bên. Phe đối lập muốn thực hiện ngay cái gọi là “chính phủ chuyển tiếp” không có ông Assad mà lờ đi rằng Tuyên bố chung chỉ đề cập đó là “một chính phủ có đầy đủ quyền lực thi hành, bao gồm các thành viên của chính quyền đương nhiệm và phe đối lập, trên nền tảng đồng thuận chung”.


Về phần mình, chính quyền Syria khẳng định tuân thủ Tuyên bố chung, nhưng phải bắt đầu từ việc chấm dứt xung đột đẫm máu - điều cũng được nêu rõ trong tài liệu này. Nói như ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Tuyên bố chung tại Geneva-1 là văn bản toàn diện và vì thế các bên không được cắt một điều khoản cụ thể nào đó ra khỏi ngữ cảnh chung. Dưới góc độ này, việc đại diện chính quyền và phe đối lập Syria thể hiện các quan điểm đối kháng tại các cuộc gặp vừa qua chưa hẳn chỉ là toàn thất vọng. Đó có thể là nghệ thuật đàm phán ngoại giao, “đặt giá cao” ngay từ đầu để từ đó có được điểm lùi, bước ngã giá phù hợp, có thể chấp nhận được. Tiến trình đàm phán chắc chắn sẽ phải đề cập đến điểm gai góc nhất là “chính phủ chuyển tiếp”, nhưng trước mắt các bên phải đi tới thống nhất về nội hàm của khái niệm này. Nó sẽ theo công thức nào, là chính phủ vượt trên hay tương thích với Hiến pháp hiện hành...


Xung đột tại Syria không thể giải quyết chỉ thông qua một, hai vài vòng đàm phán. Các bên liên quan sẽ còn phải tiếp tục gặp lại nhau ở Geneva nếu vẫn xác định đối thoại chính trị là giải pháp tối ưu. Để “phá băng”, đàm phán sẽ phải đi theo trình tự “dễ trước, khó sau”, khởi động bằng những bước đi như cứu trợ nhân đạo, ngừng bắn có giới hạn - như những gì mới diễn ra ở thành phố Homs trong mấy ngày qua. Nỗ lực của quốc tế mà quan trọng nhất là Nga, Mỹ sẽ là lực đẩy quan trọng thúc đẩy đối thoại. Hy vọng rằng, cuộc gặp giữa ông Brahimi với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng ngoại giao Nga Gennady Galitov trong khuôn khổ Geneva-2 ngày 14/2 sẽ mở ra đường hướng rõ ràng hơn đối với tiến trình tạo lập hòa bình cho Syria.

 

Hoài Thanh

 Nga nêu đề xuất về Syria tại Hội đồng Bảo an
Nga nêu đề xuất về Syria tại Hội đồng Bảo an

Nga đã đề xuất với các đối tác Phương Tây tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) một sáng kiến ngược lại liên quan tới vấn đề chuyển viện trợ cho dân thường ở Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN