Ngày 7/1, phái bộ chung giám sát việc giải giáp vũ khí hóa học
của Syria cho biết số chất hóa học đầu tiên đã được vận chuyển ra khỏi
Syria theo như thỏa thuận tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này. Tuyên bố của phái bộ cho hay: "Lượng chất hóa học đầu tiên đã
được chuyển khỏi hai khu vực tới cảng Latakia để xác minh và sau đó đưa
lên tàu thương mại Đan Mạch trong ngày hôm nay. Việc này đã khởi đầu quá
trình chuyển chất hóa học từ Syria tới các địa điểm bên ngoài lãnh thổ
nước này để tiêu hủy".
Thủy thủ tàu khu trục KNM Helge Ingstad của Na Uy diễn tập vũ khí hóa học trên Địa Trung Hải hôm 30/12/2013. Con tàu này đã hộ tống lô vũ khí hóa học đầu tiên rời Syria. |
Trong diễn biến liên quan cùng ngày,
thủ lĩnh của Mặt trận Al-Nusra Abu Mohammed al-Golani kêu gọi ngừng bắn
giữa các phe phái đối địch ở Syria sau 5 ngày giao tranh nội bộ đẫm máu
nhất kể từ thời điểm bắt đầu cuộc nổi dậy chống Tổng thống Bashar
al-Assad. Thủ lĩnh này cũng đổ lỗi cho một nhóm có liên hệ với Al-Qaeda
khác là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) đã gây ra cuộc đụng
độ.
Theo thống kê của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria
(SOHR), đã có ít nhất 274 người thiệt mạng sau 4 ngày giao tranh giữa
phe nổi dậy và các phần tử thánh chiến Hồi giáo, trong đó có 129 chiến
binh ôn hòa và thuộc các nhóm phiến quân Hồi giáo, 99 thành viên của
ISIL và 46 dân thường.
*Không có chính phủ lâm thời sau đàm phán hòa bình
Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zoubi ngày 7/1 nói rằng trái
với các thông tin tình báo của Phương Tây, tất cả các nhóm chiến binh
chống lại quân đội Syria hiện nay đều là "các nhóm khủng bố" và không ai
nên trông đợi vào một chính phủ lâm thời sau các cuộc đàm phán hòa bình
giữa các bên trong cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Damascus, ông al-Zoubi nói:
"Các cơ quan tình báo nước ngoài cố nói rằng có những tổ chức khủng bố
cực đoan và cấp tiến ở Syria. Có rất nhiều tài liệu và chứng cứ chứng
minh rằng tất cả những tổ chức này đều là các nhóm khủng bố và chính phủ
và quân đội Syria đang chiến đấu chống lại khủng bố".
Đề
cập đến hội nghị hòa bình về Syria sắp được tổ chức ở Thụy Sỹ (Geneva
II), Bộ trưởng al-Zoubi nói: "Bất kỳ thỏa thuận nào ở hội nghị Geneva II
sẽ cần phải đưa ra trưng cầu dân ý tại Syria bởi vì mọi thỏa thuận
không có sự đồng thuận của người dân Syria thì sẽ vô giá trị". Ông
al-Zoubi khẳng định lại sẽ không có chính phủ lâm thời nào ở Syria sau
hội nghị, đồng thời lên tiếng cảnh báo tất cả các lực lượng đối lập và
những nước ủng hộ các lực lượng này rằng: "Những nước nào đến với hội
nghị nhằm phục vụ mục đích của Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Pháp
và các nước khác đều là sai lầm".
* Nhân dân muốn ông Assad tranh cử nhiệm kỳ mới
Cùng ngày 7/1, Bộ trưởng Omran Zoabi cho biết nhân
dân nước này đã quyết định rằng Tổng thống Bashar al-Assad cần được đề
cử vào vị trí đứng đầu đất nước thêm 1 nhiệm kỳ nữa và sẽ gây sức ép để
ông tham gia tranh cử trong năm nay.
Phát biểu trên truyền
hình, ông Zoabi nêu rõ: "Tôi có thể đảm bảo nhân dân Syria đã quyết định
đề cử Tổng thống Bashar al-Assad vào vị trí tổng thống nước cộng hòa
(Syria). Đó là quyết định của cá nhân ông... song tôi đảm bảo rằng đường
phố Syria sẽ gây sức ép Tổng thống Bashar al-Assad để ông tự ứng cử vào
cương vị tổng thống". Tuyên bố trên là sự biểu thị rõ ràng nhất về việc
ông Assad có ý định kéo dài thời gian nắm quyền, động thái chắc chắn sẽ
làm các chính trị gia và chiến binh đối lập tức giận.
Trong
diễn biến liên quan, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran
Marzieh Afkham nhấn mạnh nước này không chấp nhận bất cứ điều kiện tiên
quyết nào cho việc tham dự hội nghị hòa bình Geneva 2 bàn về cuộc khủng
hoảng Syria.
T.N (Theo AP, Reuters, THX)