IS đã thất thủ tại vùng lãnh thổ cuối cùng mà nhóm này chiếm đóng ở Trung Đông hồi cuối tháng 3, song các nhà phân tích cảnh báo rằng sự thất bại sẽ không giết chết ý thức hệ của tổ chức khủng bố này, chỉ vài tuần sau khi nhóm này tuyên bố gây ra một trong những vụ tấn công nghiêm trọng nhất nhằm vào dân thường ở châu Á.
Loạt vụ đánh bom phối hợp nhằm vào các nhà thờ và khách sạn sang trọng ở Sri Lanka đã làm cho hơn 250 người thiệt mạng. Các đoạn video sau đó cho thấy những thủ phạm đánh bom từng tuyên thệ trung thành với IS.
Trong một báo cáo mới gửi cho nhóm tình báo địa chính trị Stratfor của Mỹ, chuyên gia phân tích Scott Stewart nói: "Tình thế hiện nay của IS không thể được đánh giá mà không có sự hiểu biết rằng đây là một phong trào ý thức hệ toàn cầu, chứ không đơn thuần là một thực thể tổ chức đơn lẻ".
Các yếu tố như đói nghèo, phân biệt đối xử, thái độ quá khích trên truyền thông xã hội, sự điều hành yếu kém cũng như việc thu thập và chia sẻ thông tin tình báo chưa tốt làm cho khu vực này trở nên dễ phải hứng chịu các vụ tấn công của các phần tử cực đoan hoạt động theo tư tưởng của IS, dù là những vụ tấn công này không trực tiếp được IS hậu thuẫn.
Theo mạng tin Egypt Today, IS đã tạo ra một thứ mà các nhóm khủng bố khác còn lâu mới có thể đạt được: ý thức hệ về một cộng đồng ảo mà những người khác cảm thấy thích thú và sẵn sàng tách ra khỏi cộng đồng.
Hiện tại, những phần lãnh thổ mà IS chiếm giữ đã bị loại bỏ nhờ nhiều nỗ lực kéo dài trong những năm qua của lực lượng liên minh quốc tế chống IS, với sự góp mặt của lực lượng quân đội, ngoại giao, tình báo, thực thi pháp luật và các chuyên gia trong liên minh quốc tế đó.
Tuy nhiên, cộng đồng toàn cầu hình thành nên IS vẫn còn tồn tại. Trên thực tế, IS sở hữu các mạng lưới trên toàn thế giới và dựa vào "chân rết" đó để kiểm soát các thành viên của mình. Điều đó cho thấy cuộc chiến chống IS còn lâu mới kết thúc, nó chỉ bước vào giai đoạn chuyển tiếp mới.