Báo cáo mới đây của ngân hàng Pháp Natixis khẳng định châu Á đã trở thành đầu tàu kinh tế của thế giới. Nhờ châu lục này mà tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu không còn là con số âm. Châu Á cũng là khu vực đầu tiên thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế 2008-2009.
Trung Quốc được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030. Ảnh: Internet |
Nhà nghiên cứu Pháp Christophe Jaffrelot làm việc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế CERI thuộc Trường Chính trị Kinh doanh Paris-Sciences Po, cho biết 6 trong số 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới nằm ở khu vực châu Á, và 6 nền kinh tế này chiếm tỷ trọng gần 1/4 GDP toàn cầu. Sáu nền kinh tế lớn mạnh nhất châu Á tạo ra lượng của cải tương đương Mỹ và xấp xỉ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu cộng lại.
Theo một công trình nghiên cứu mang tên “Một thế giới không có châu Âu? ” của Nhà xuất bản Fayard, nhóm các chuyên gia về luật, kinh tế, chiến lược và quốc phòng của Pháp đã đưa ra một số nét chính: Chiến lược phát triển của các nền kinh tế châu Á đang trỗi dậy đều dựa theo mô hình nhập khẩu nguyên nhiên liệu; tập trung phát triển hàng công nghiệp nhẹ, tận dụng nguồn nhân lực dồi dào và giá nhân công thấp; bảo vệ thị trường nội địa; ưu tiên cho xuất khẩu. Giai đoạn kế tiếp là mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài để thâu tóm kỹ thuật tiên tiến của các nước công nghiệp phát triển, qua đó nâng cấp sản xuất nội địa.
Báo cáo cho biết năm 1970, có 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của châu Á là phục vụ khách hàng trong khu vực và tỷ lệ này đã tăng lên 51,6% trong 4 thập niên sau đó. Đây là dấu hiệu cho thấy đà hội nhập của khu vực châu Á, trải rộng từ Nhật Bản đến Pakixtan. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, xuất khẩu của châu Á chỉ tương đương 14% tổng trao đổi mậu dịch toàn cầu, nhưng đến năm 2009, tỷ lệ này đã nhân lên gấp đôi, chiếm tới 30%. Thành công trong lĩnh vực thương mại đã giúp nhiều nước châu Á trở thành những “đại gia” tài chính với hơn 50% dự trữ ngoại tệ thế giới thuộc về châu Á.
Nhiều công trình nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á, Đại học Harvard và Yale,... cũng cho thấy “trọng tâm kinh tế thế giới đang chuyển về châu Á và có nhiều nhân tố cho phép châu Á trở thành đầu tàu kinh tế thế giới".
TTXVN/Tin Tức