Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của IMF, đánh giá châu Á vẫn là động lực tăng trưởng của thế giới, đóng góp đến 60% cho tăng trưởng toàn cầu. Trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế châu Á đã tăng trưởng mạnh hơn dự kiến và IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng của khu vực lên 4,6% trong năm 2024 và 4,4% cho năm 2025.
Trong tương lai, IMF kỳ vọng nhu cầu nội địa ở khu vực châu Á sẽ gia tăng trước các khu vực khác, sau những tác động của các đợt thắt chặt tiền tệ trong quá khứ. Cơ quan này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ và Trung Quốc sẽ vẫn vững chắc, mặc dù hai nền kinh tế này sẽ tăng trưởng chậm lại phần nào vào năm 2025. Đối với các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, IMF kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ và rộng khắp.
Về lạm phát, ông Krishna Srinivasan đánh giá các nước ở châu Á đã đưa lạm phát về mức thấp và ổn định nhanh hơn các khu vực khác. Điều này đồng nghĩa với việc hầu hết các ngân trung ương châu Á hiện có thể cắt giảm lãi suất, nhất là trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ, nhất là Australia và New Zealand, nơi áp lực tiền lương đã khiến lạm phát dịch vụ tăng cao.
Tuy nhiên, Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của IMF lưu ý các điều kiện bên ngoài của nền kinh tế châu Á vẫn khắc nghiệt và các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Các rủi ro đối với triển vọng kinh tế khu vực đang gia tăng, ví dụ như có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu có thể suy yếu, yếu tố sẽ tác động không tốt đối với châu Á vốn phụ thuộc vào xuất khẩu. Nhu cầu nội địa Trung Quốc yếu cũng tiếp tục ảnh hưởng nhiều hơn đến khu vực.
Ngoài ra, các quốc gia trên toàn cầu tiếp tục triển khai nhiều hơn các rào cản thương mại, buộc các luồng thương mại phải điều chỉnh, khiến chi phí gia tăng. Theo ông Krishna Srinivasan, điều này sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại, và châu Á sẽ bị ảnh hưởng lớn do sự liên kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để ứng phó với những rủi ro gia tăng về môi trường thương mại, IMF khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách châu Á nên tập trung vào chính sách tiền tệ và tài khóa, đảm bảo xây dựng được vùng đệm chống lại rủi ro giảm phát, đồng thời bảo toàn nhu cầu để giải quyết các thách thức dài hạn như biến đổi khí hậu và già hóa dân số. Báo cáo về triển vọng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương của IMF dự kiến sẽ được công bố vào ngày 1/11 tại Tokyo, Nhật Bản.