Cách đây một năm, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd đã cảnh báo rằng do những căng thẳng bắt nguồn từ tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và Biển Đông, châu Á có nguy cơ rơi vào tình trạng bất ổn giống như ở Balkan vào thế kỷ trước.
Một năm sau, trong khi thế giới chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thì nguy cơ về một thảm họa xung đột toàn cầu bùng nổ ở châu Á vẫn không thuyên giảm. Căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng gia tăng trong khi chính sách chuyển hướng “xoay trục về châu Á" của Tổng thống Mỹ Barack Obama khiến quan hệ Mỹ-Trung Quốc ngày càng nặng nề, cả về mặt ngoại giao, chính trị và quân sự. Tất cả những yếu tố này đe dọa châm ngòi cho “thùng thuốc súng châu Á” vào bất cứ lúc nào.
Máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản bay qua ADIZ của Trung Quốc trên biển Hoa Đông ngày 28/11/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Mối quan hệ Trung-Nhật hiện đang ở điểm rất thấp. Chính quyền Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe, được Mỹ khuyến khích, đã tiến hành tái quân sự hóa, tăng ồ ạt chi phí quốc phòng lần đầu tiên trong vòng 10 năm. Chưa hết, chuyến thăm đền thờ nổi tiếng Yasukuni của Thủ tướng Abe đã khiến đại sứ Trung Quốc tại Mỹ bình luận trên báo "Bưu điện Washington" rằng Thủ tướng Nhật Bản “đã làm phương hại đến mối quan hệ với Trung Quốc” khi tưởng niệm các tội phạm chiến tranh.
Tình hình căng thẳng cũng gia tăng mạnh trong cuộc tranh chấp chủ quyền đối với một số hòn đảo ở biển Hoa Đông, và nó đã đạt tới một mức nguy hiểm mới hồi tháng trước, khi Trung Quốc thông báo một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong khu vực này, bị cho là bao trùm lên một phần lãnh hải tranh chấp với các nước láng giềng. Mỹ đã lập tức thách thức Trung Quốc bằng cách cho máy bay ném bom B-52 (có thể chở vũ khí hạt nhân) bay trên vùng này mà không thông báo trước. Nhật Bản còn làm cho tình hình kịch phát hơn bằng cách thông báo ý định đưa 280 hòn đảo ở ngoài khơi vào quyền “sở hữu Nhà nước”. Nhớ lại, quyết định của Nhật Bản hồi tháng 9/2012 “quốc hữu hóa” các hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư đã làm cho cuộc xung đột với Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Trong khi đó, “Thời báo tài chính”, một trong những báo lớn nhất thế giới, đã dự báo về năm 2014 bằng một bài viết về những gì đã dẫn đến thảm họa cách đây 100 năm (cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất). Theo bài báo, tháng 1/1914, ít người châu Âu có thể hình dung rằng chỉ 7 tháng sau, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của họ đã nhấn chìm thế giới vào một cuộc chiến tranh thảm khốc, khiến hàng chục triệu người chết và bị thương trong vòng 4 năm. Mặc dù đã trấn an rằng không có lý do gì để sợ rằng thế giới sẽ rơi vào một thảm họa lịch sử như vậy, bài báo trên vẫn cho rằng đang có một số điểm giống nhau “rất đáng lo ngại” giữa thời kỳ đó và hiện nay.
Không chỉ có “Thời báo tài chính” cho là như vậy, mà cả tờ "Điện tín hàng ngày" của Anh cũng nói đến một sự trở lại của “bóng ma năm 1914”. Báo này đã so sánh việc Trung Quốc áp đặt ADIZ ở biển Hoa Đông nhằm thách thức những yêu sách của Nhật Bản về các hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cả hai bài báo đều so sánh việc gia tăng sức nóng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc với tình hình căng thẳng giữa Đức và Anh trong thời kỳ trước khi nổ ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Cách đây 100 năm, Đức đã tìm kiếm “vị trí mặt trời mọc” gây phương hại đến Anh. Và giờ đây, tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở biển Hoa Đông và Biển Đông, những nước đang phụ thuộc vào sự ủng hộ của Mỹ, khiến người ta nhớ đến mối quan hệ căng thẳng giữa Đức với Anh, và Pháp với Nga trước năm 1914.
Những căng thẳng trên đã biến khu vực Đông Nam Á đang trở thành “chiến trường ngoại giao”, nơi Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ cùng đua nhau tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Abe đã tới thăm từng nước thành viên ASEAN. Tuy Tổng thống Obama đã không thể tham dự cuộc họp cấp cao với các nước Đông Nam Á trong năm vừa rồi, nhưng Mỹ đang tranh thủ tình hình nóng lên để gia tăng tiếng nói trong khu vực. Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9/1 đã chính thức lên tiếng phản đối việc Trung Quốc áp đặt các biện pháp hạn chế đánh bắt cá ở Biển Đông, cho rằng việc làm này mang tính “khiêu khích và tiềm ẩn một hành động nguy hiểm”.
Ngoài các vấn đề trên, bán đảo Triều Tiên vẫn là một điểm nóng đặc biệt dễ bùng nổ trong khu vực. Tháng 4/2013, CHDCND Triều Tiên đã phản ứng mạnh trước những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, cũng như việc Mỹ đưa máy bay B-52 và B-2 tới Hàn Quốc để đe dọa Bình Nhưỡng. Việc Mỹ cô lập Triều Tiên đã làm cho tình hình nước này thêm bất ổn, biểu hiện ở việc gần đây nước này xử tử nhân vật quyền lực hàng đầu Jang Song-thaek, chú dượng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đây là biến cố chính trị lớn nhất kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. Chính sách gây bất ổn này rất có thể sẽ gây ra những hậu quả nguy hiểm trong một khu vực chiến lược, nơi các cường quốc thế giới như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Mỹ luôn có quyền lợi, nhiều khi đối đầu nhau.
Và vì vậy, người ta có lý do để lo ngại rằng đến một lúc nào đó, rất có thể ngay trong thế kỷ 21 này, tất cả những gì vừa nêu sẽ đẩy châu Á tới một cuộc đối đầu quyết liệt, để rồi, nó sẽ kéo toàn thế giới vào một thảm họa lớn hơn những gì đã xảy ra cách đây một thế kỷ.
Theo “Chính trị thế giới”