Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công IS ở Syria, Iraq, Afghanistan và giờ đây là Libya, nhưng giới lãnh đạo quân sự và các nhà chiến lược đã cảnh báo về những làn sóng bạo lực và những tín hiệu mà các nước có nhiều người Hồi giáo như Philippines và Bangladesh có thể là thành trì toàn cầu tiếp theo của IS.
Trong một bài phát biểu hôm 27/7 tại Quỹ sáng kiến tái thiết Nhật Bản, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris nói rằng khu vực này sẽ cần phải phối hợp với nhau để ngăn chặn IS “di căn” sang nơi mà quân đội Mỹ gọi là khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Harris nói: “Tôi thường nói về việc tái cân bằng chiến lược của Mỹ tới khu vực này. Đáng tiếc là, tôi cho rằng IS cũng đang tìm cách tái cân bằng tới khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương. Để ngăn chặn sự lan rộng "khối u ác tính" của IS ở châu Á, chúng ta không thể làm việc riêng lẻ. Chúng ta phải phối hợp với nhau. May mắn là, Nhật Bản và nhiều quốc gia cùng chung mục tiêu khác đã gia nhập liên minh chống IS. Cùng với nhau, chúng ta có thể – và chúng ta sẽ – loại bỏ được căn bệnh này”.
Ngày 2/7, một nhóm phiến quân tuyên bố trung thành với IS đã xông vào một nhà hàng Bangladesh và giết chết 20 người nước ngoài, trong đó có một công dân Mỹ và 7 người Nhật Bản. Đó là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công tàn bạo nhằm vào người nước ngoài và những người cấp tiến ở nước này, làm dấy lên nỗi ám ảnh về một làn sóng bạo lực mới ở Bangladesh.
Trong khi đó, ở Philippines - một đồng minh của Mỹ, cũng đã chứng kiến sự gia tăng bạo lực đột biến từ các nhóm cực đoan trên đảo Mindanao, Sulu và Basilan. Trong tháng 7, nhóm phiến quân Abu Sayyaf, từng cam kết trung thành với IS vào năm 2014, đã tung ra một video chặt đầu công dân Canada John Ridsdel, và trước đó trong tháng 6 là một video chặt đầu con tin người Canada Robert Hall, sau khi nhóm này không nhận được tiền chuộc cho những người Canada trên.
Vào tháng 1, IS thừa nhận tiến hành một cuộc tấn công ở Jakarta (Indonesia) khiến bốn người thiệt mạng và 20 người khác bị thương. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng IS là một vấn đề ở châu Á nhưng chưa đến mức như như ở Iraq, Syria và Libya.
Thomas Sanderson, một chuyên gia về các mối đe dọa xuyên quốc gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế bình luận: "Tôi sẽ mô tả sự hiện diện của IS ở đó (châu Á) là có giới hạn nhưng không đáng kể. Đó là điều quan trọng vì rất nhiều chiến binh đã tới chiến trường trong khu vực (Trung Đông, Bắc Phi)".
Theo công ty an ninh Soufan Group, Philippines và Malaysia mỗi nước có khoảng 100 tay súng tham chiến ở Iraq và Syria. Indonesia có khoảng 700 người ở đó, Trung Quốc có khoảng 300 và thậm chí Singapore đã có một vài tay súng được biết là chiến đấu cho IS.
Ông Sanderson cho rằng mối đe dọa chính đến từ việc các chiến binh trở về quê hương khi Mỹ và các lực lượng liên quân đẩy mạnh các cuộc tấn công vào vùng lãnh thổ do IS kiểm soát trải dài giữa Syria và Iraq. Ông nêu rõ: "Khi doanh thu và lãnh thổ của chúng bị thu hẹp ở Syria và Iraq, bạn có thể thấy một làn sóng những tay súng trở về Philippines và Indonesia", đồng thời cho biết thêm rằng những tay súng này có thể đào tạo và truyền cảm hứng cho những người cùng mục đích để tiến hành các cuộc tấn công ở quê nhà. Ông nhấn mạnh: "Đó có thể là điều đang gây bất ổn lớn đối với các chính phủ".
Ông Sanderson khẳng định Mỹ cần phải chủ động để đối phó với các mối đe dọa, và kêu gọi các chính phủ có cách tiếp cận đa quốc gia đối với vấn đề này.
Về phần mình, Đô đốc đã nghỉ hưu James Stavridis, người từng là Tổng tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói "việc 'xoay trục' của đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là mong muốn của IS vào thời điểm này, nhưng chúng ta nên cảnh giác với những nỗ lực của chúng nhằm đạt được một chỗ đứng chắc chắn hơn, đặc biệt là ở Bangladesh và Indonesia".
Ông Stavridis cũng có chung quan điểm rằng, xây dựng quan hệ đối tác là cách để đối phó với vấn đề này.