Châu Âu dường như đang bên bờ vực của một cuộc suy thoái - và điều này có thể có lợi cho Mỹ. Vào tháng 8, các nhà phân tích của tập đoàn tài chính đa quốc gia Goldman Sachs đặt xác suất suy thoái trong 12 tháng tới là 60% đối với châu Âu và 30% đối với Mỹ.
Nếu dự báo này là đúng và châu Âu trải qua một cuộc suy thoái trước Mỹ, điều đó có thể làm giảm khả năng Mỹ phải chịu chung số phận.
"Mỹ, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, nhà sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên hàng đầu cũng như có khả năng phục hồi mạnh mẽ, sẽ có thể vượt qua cơn bão suy thoái như ở châu Âu. Khó khăn của châu Âu sẽ làm giảm mạnh nhu cầu của họ và giúp giảm lạm phát của chúng tôi", nhà phân tích kinh tế, từng là cựu chuyên gia kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Claudia Sahm nhận định.
Tại Mỹ, Fed đã liên tiếp tăng lãi suất để chống lạm phát. Fed càng tăng lãi suất để kiểm soát giá cả ở mức vừa phải, thì cơ hội nền kinh tế trải qua một đợt suy thoái "đau đớn" hơn càng lớn. Nhưng một cuộc suy thoái tiềm tàng ở châu Âu có thể giúp Mỹ giảm lạm phát, tránh suy thoái kinh tế và "cứu" hàng triệu việc làm của người Mỹ.
Năm 2021, Mỹ xuất khẩu hơn 270 tỷ USD hàng hóa sang Liên minh châu Âu, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm hàng không vũ trụ, nhiên liệu khoáng sản và máy móc có tỷ trọng cao nhất.
Suy thoái kinh tế châu Âu có thể sẽ dẫn đến giảm nhu cầu hàng hóa và khiến cho nhập khẩu từ Mỹ thấp hơn, do khả năng chi tiêu của những người mua sắm ở châu Âu giảm và đồng euro suy yếu. Tuy nhiên, điều này có thể giúp giảm bớt áp lực giá cả ở Mỹ.
Những lo ngại về tình trạng của nền kinh tế châu Âu cũng góp phần làm giảm giá trị của đồng euro so với USD. Đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua so với USD. Động lực này có thể sẽ tồn tại trong thời gian tới và có thể "giúp Mỹ trong cuộc chiến chống lạm phát", Desmond Lachman, một thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nêu quan điểm.
Ông Lachman nói: “USD mạnh hơn sẽ làm giảm chi phí nhập khẩu châu Âu của Mỹ trong khi nền kinh tế châu Âu yếu hơn sẽ đẩy nhanh sự suy giảm lớn mà chúng ta đang thấy trong các mặt hàng giao dịch quốc tế”.
Ngược lại, đồng euro yếu khiến hàng hóa của Mỹ trở nên đắt hơn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Âu, khiến họ ít có khả năng nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ hơn. Sự sụt giảm nhu cầu này cũng có thể giúp giảm lạm phát.
Bên cạnh đó, mặc dù giá năng lượng của Mỹ đã bắt đầu giảm trong những tháng gần đây, nhưng sự suy thoái ở châu Âu - cũng giống như sự suy thoái gần đây ở Trung Quốc - có thể giúp giữ giá dầu trong tầm kiểm soát.
Và trong khi Mỹ hiện đang cung cấp nhiều khí đốt tự nhiên hơn cho châu Âu - vốn đang tìm cách độc lập hơn từ Nga - thì suy thoái "có thể giảm áp lực" đối với giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ, Patrick De Haan, trưởng bộ phận phân tích dầu khí tại GasBuddy, lưu ý.
Tuy nhiên, suy thoái ở châu Âu là một kết quả tồi tệ, sẽ gây ra khó khăn cho hàng triệu người. Ngay cả đối với Mỹ, suy thoái mạnh ở châu Âu sẽ làm suy yếu "một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Mỹ" và làm tăng "sự biến động của thị trường tài chính thế giới", ông Lachman nhấn mạnh.
Tóm lại, có thể một nền kinh tế châu Âu đang tăng trưởng chậm lại sẽ làm giảm lạm phát của Mỹ và giúp nước này tránh được suy thoái. Nhưng nếu Mỹ vẫn rơi vào một thời kỳ suy thoái nghiêm trọng, họ có thể hy vọng vào đối tác ở bên kia đại dương mà chi tiêu của châu Âu có thể thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.