Người di cư chờ tới Đức tại khu vực cửa khẩu Hegyeshalom, khu vực biên giới Áo-Hungary ngày 6/9. Ảnh: THX/TTXVN |
Bài học của tuần trước rằng bức ảnh thi thể một em bé có thể lay động một châu lục và làm thay đổi lập trường của một chính phủ - có vẻ chỉ đúng khi bức ảnh đó phù hợp với quan điểm chính trị của nước thành viên có tiếng nói trong ngôi nhà Liên minh châu Âu (EU).
Vì một số lý do, những bức hình đầy ám ảnh về thi thể những đứa trẻ chết vì khí độc ở Syria hai năm trước đã không đủ lay động để khiến thế giới phải hành động. Phải chăng đó là sự vi phạm về đạo đức chỉ khi trẻ em chết trên những bờ biển ở châu Âu? Hay hình ảnh một em bé chết trên bờ biển hỗ trợ cho khái niệm về tội ác của châu Âu dễ dàng hơn?
Hai điều này xuất hiện cùng một lúc. Châu Âu, và cả Mỹ, có nghĩa vụ đạo đức với những người lạc lối và bị bỏ rơi bởi sự vô trách nhiệm của quá khứ. Sự thất bại trong việc chống lại chế độ (Tổng thống Syria Basar al-Assad) và lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã tạo ra những điều kiện cho một cuộc khủng hoảng không lối thoát.
Phớt lờ vấn đề này suốt mùa hè, các nhà lãnh đạo châu Âu bất ngờ hành động mâu thuẫn. Sự vô trách nhiệm ban đầu giờ hòa trộn với sự liều lĩnh khi chính sách được hoạch định không hợp lý để giải quyết dòng người nhập cư. Nhu cầu có một chương trình phù hợp, được điều hành hợp lý và nhận được đồng thuận giữa các nước thành viên gần như bị hủy hoại ngay lập tức bởi các tuyên bố đơn phương: Như Đức, tuyên bố vắn tắt rằng nước này đã chuẩn bị để tiếp nhận 800.000 người tị nạn.
Tuy nhiên, Đức không cung cấp lương thực dự trữ trong hành trình cho người tị nạn, vì vậy mà lời hoan nghênh thực chất là lời mời tới thêm hàng nghìn người mạo hiểm mạng sống của mình, cũng như “món quà” cho những kẻ buôn người. Biểu hiện của Thủ tướng Đức Angela Merkel giống như sự “chế giễu” lạ thường về những quan ngại của những thành viên châu Âu nghèo hơn. Những cảnh tượng về người di cư gây sốc ở Hungary, và sự “không khoan nhượng” của Thủ tướng nước này Viktor Orban, là kết quả trực tiếp của sự xui khiến hào phóng của bà Merkel (được đưa ra mà không hội ý với các chính phủ Đông Âu) biến Đức thành điểm lựa chọn của những người Syria xin tị nạn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc họp báo về tình hình người tị nạn và di cư tại Berlin ngày 7/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Như Thủ tướng Hungary Orban nói: “Không ai muốn ở Hungary hay Slovakia, hay Ba Lan, Estonia. Tất cả muốn tới Đức”. Và vậy mà Hungary, và có thể là những nước khác không may thuộc khu vực Balkan, đang buộc phải đối mặt với những hậu quả của đám đông di cư. Nỗi sợ thực sự của những người Hungary và các quốc gia ở Đông Âu là dòng người nhập cư không thể kiểm soát sẽ dẫn tới sự kết thúc của chính sách tự do di chuyển trong EU, vốn là một trong những điều hấp dẫn nhất về tư cách thành viên của khối này. Và, chắc chắn, họ hoàn toàn đúng.
Quy tắc Schengen được cho là một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này. Nó được hiểu rõ ràng trên toàn thế giới rằng tất cả các nước châu Âu giàu có, hiện đại sẽ trở nên rộng mở nếu bạn đặt chân tới bất kỳ góc nào của một quốc gia thành viên. Vì vậy hòn đảo nhỏ nhất Hy Lạp hay cực nam của vùng nghèo nhất Italy, không có nguồn lực để đăng ký và xử lý một số lượng lớn người nhập cư, trở thành các cổng vào đối với người di cư bất hợp pháp. Quy tắc có chủ ý ban đầu hướng tới sự tự do nội địa của người châu Âu trong châu lục của họ lại trở thành một lãnh thổ không ranh giới cho những người dân khốn khổ của thế giới. Đây cũng chắc chắn là món mồi béo bở của những kẻ buôn người.
Sự khôi phục những đường biên giới mở, được cho là cần thiết để ngăn chặn làn sóng nhập cư, sẽ trở thành một đề tài được tranh luận gay gắt trong thời gian dài. Nó sẽ trở nên cực kỳ rắc rối do “sự tái phân bổ” bằng vũ lực những người nhập cư, đang được xem xét, đòi hỏi sự kiểm soát biên giới. Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ đề xuất một kế hoạch cho 160.000 người xin tị nạn từ Hungary, Italy và Hy Lạp để “tái bố trí” xung quanh các nước châu Âu. Kế hoạch này sẽ bao gồm áp đặt các hạn ngạch hơn 55.000 người tị nạn ở các nước như Tây Ban Nha và các nước Đông Âu mặc dù họ phản đối kế hoạch trước đó bao gồm tiếp nhận một số lượng nhỏ người tị nạn.
Tuy nhiên, những chỉ tiêu và sự phân bổ lại số lượng người nhập cư ở những nước châu Âu sẽ là khái nghiệm vô nghĩa nếu tồn tại quyền tự do đi lại không hạn chế của người dân giữa các nước.