Xung đột Nga-Ukraine khởi phát vào tháng 2/2022 đã khiến các quốc gia châu Âu giảm sử dụng khí đốt tự nhiên của Nga được cung cấp qua đường ống, khiến giá LNG tăng vọt khi nguồn cung hạn chế.
Với số lượng kho cảng nhập khẩu hạn chế, các quốc gia châu Âu cũng buộc phải thực hiện các biện pháp hạn chế tiêu dùng, song các nước này cũng đã vượt qua được mùa Đông năm 2022-2023 mà không cắt giảm hệ thống sưởi dân dụng hoặc sử dụng điện.
IEEFA cho biết, nhu cầu khí đốt của châu Âu đã giảm 20% kể từ khi tháng 2/2022, chủ yếu do Đức, Italy và Anh giảm lượng tiêu thụ. Sự suy giảm này là do các biện pháp quản lý nhu cầu, hiệu quả sử dụng năng lượng, tác động của giá cao đối với nhu cầu cũng như nhiệt độ mùa Đông không quá khắc nghiệt.
Trong một báo cáo, IEEFA cho biết châu Âu đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng năng lượng và sẵn sàng tiếp tục hạn chế sử dụng khí đốt, một phần nhờ vào các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và triển khai năng lượng tái tạo.
Việc triển khai thêm năng lượng Mặt Trời, gió, chuyển đổi từ sử dụng khí đốt sang hệ thống bơm nhiệt để sưởi ấm và các biện pháp nâng cao hiệu quả bổ sung sẽ khiến nhu cầu LNG đạt đỉnh vào năm 2025.
IEEFA lưu ý việc gấp rút xây dựng các kho cảng LNG vẫn tiếp tục, với 13 kho cảng dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030, so với chỉ 8 kho cảng hoạt động vào tháng 2/2022.
Theo IEEFA, LNG của Nga đã thay thế một phần khí đốt của Nga mà châu Âu đã nhập khẩu bằng đường ống, với lượng nhập khẩu LNG từ Nga tăng 11% trong giai đoạn 2021-2023. Tuy nhiên, LNG từ Mỹ vẫn chiếm ưu thế trong nhập khẩu, và điều này có nguy cơ tạo ra sự phụ thuộc mới.
Ana Maria Jaller-Makarewicz, nhà phân tích thuộc IEEFA, cho rằng sau khi trải qua những rủi ro về an ninh năng lượng do phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung cấp, châu Âu phải rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ và tránh trở nên phụ thuộc quá mức vào Mỹ, quốc gia đang cung cấp gần một nửa lượng nhập khẩu LNG cho châu Âu vào năm ngoái.