Châu Âu “đơn độc” dưới thời Donald Trump?

Quan hệ EU-Mỹ có nguy cơ chấm dứt bởi ông Trump tin tưởng vào các bức tường được dựng lên nhằm đối phó với người nhập cư hơn là sự đoàn kết với các nước đồng minh.

Trang mạng của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) đăng bài phân tích của chuyên gia Mark Leonard, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu này, về quan hệ EU-Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump.


Theo ông Leonard, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ II đến nay, châu Âu luôn đánh giá các biến động trên thế giới thông qua lăng kính “xuyên Đại Tây Dương”. Mặc dù mối quan hệ đồng minh với Mỹ trải qua các giai đoạn thăng trầm nhưng về cơ bản đó là mối quan hệ gần gũi, dựa trên cơ sở sẵn sàng giúp đỡ trong việc đối phó thách thức và chia sẻ các quan điểm chung. Tuy nhiên, dưới thời của Tổng thống Donald Trump giai đoạn “mặn nồng” này có nguy cơ chấm dứt bởi ông Trump tin tưởng vào các bức tường được dựng lên nhằm đối phó với người nhập cư hơn là sự đoàn kết với các nước đồng minh. Ông Trump từng tuyên bố sẽ đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/ TTXVN

Châu Âu sẽ không chỉ phải thích nghi với giai đoạn mới trong quan hệ với Mỹ dưới thời ông Donald Trump mà còn phải độc lập hơn trong chính sách đối ngoại bởi vì:


Thứ nhất, sự đảm bảo an ninh của Mỹ sẽ không còn đáng tin cậy. Ông Donald Trump từng băn khoăn liệu Mỹ có nên tiếp tục bảo vệ các nước thành viên NATO ở phía Đông châu Âu nếu chính các nước này không nỗ lực hơn để tự bảo vệ mình. Ông Trump cho rằng Saudi Arabia cần phải trả tiền cho việc Mỹ đảm bảo an ninh cho nước này. Ông Trump cũng khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Rõ ràng, dưới thời của Tổng thống Donald Trump, Mỹ sẽ không đóng vai trò “sen đầm” nữa mà thay vào đó là một "công ty an ninh tư nhân" sẵn sàng cung cấp dịch vụ trả phí.


Thứ hai, các thể chế toàn cầu sẽ chịu sức ép từ chính quyền của ông Donald Trump. Ông Trump phản bác quan điểm cho rằng trật tự thế giới tự do mà Mỹ xây dựng từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II đến nay là phương thức tiết kiệm nhất nhằm bảo đảm các giá trị và lợi ích của nước này. Cũng tương tự như cựu Tổng thống George W. Bush sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, ông Trump xem các thể chế toàn cầu làm hạn chế sự tự do của Mỹ trong việc triển khai chính sách. Ông Trump đã đưa ra chương trình cải cách đối với hầu hết các thể chế quốc tế, từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến NATO hay Liên hợp quốc. Việc ông Trump đưa vấn đề “mặc cả” vào tất cả các mối quan hệ quốc tế - đàm phán lại các thỏa thuận đã ký - có nguy cơ thúc đẩy hành động tương tự từ phía các nước đồng minh của Washington.


Thứ ba, ông Trump sẽ đảo ngược tất cả các mối quan hệ quốc tế của Mỹ. Thực tế phũ phàng rằng có khả năng ông Trump sẽ “thân thiện” với các đối thủ của Mỹ hơn là các nước đồng minh. Thách thức lớn nhất đối với châu Âu là sự ngưỡng mộ công khai của ông Trump đối với Tổng thống Nga V.Putin. Nếu quan hệ giữa Washington và Moskva nồng ấm, thỏa hiệp về một loạt các vấn đề, trong đó có việc công nhận hành động Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, châu Âu sẽ bị rơi vào tình thế bất khả kháng.


Thứ tư, sự khó dự đoán trong tuyên bố và hành động của ông Donald Trump. Trong 18 tháng tranh cử, ông Donald Trump nhiều khi đưa ra các tuyên bố đối lập nhau về cùng một vấn đề. Việc ông này tuyên bố những điều đối lập với các phát ngôn trước đó mà không thừa nhận mình thay đổi quan điểm cho thấy tính chất thất thường trong phương pháp lãnh đạo của ông Trump.

Nguyễn Hồng Tâm
Ông Trump mở rộng danh sách ứng cử viên ngoại trưởng
Ông Trump mở rộng danh sách ứng cử viên ngoại trưởng

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mở rộng danh sách ứng cử viên ngoại trưởng ngay sau những tranh cãi xung quanh cuộc điện đàm giữa ông với nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN