Một dự án khí hóa lỏng (LNG) ở duyên hải phía Tây châu Phi mới chỉ hoàn thành 80% hạng mục xây dựng. Nhưng triển vọng về một nguồn cung ứng khí đốt mới đã khiến lãnh đạo Ba Lan và Đức thực hiện các chuyến viếng thăm tới khu vực này.
Mỏ khí đốt nằm dọc bờ biển Senegal và Mauritania được dự báo có trữ lượng khoảng 425 tỉ m3 khí đốt, gấp 5 lần mức sản lượng khí đốt mà Đức tiêu thụ trong cả năm 2019. Nhưng hoạt động khai thác tại mỏ này sớm nhất cũng phải đợi đến cuối năm sau.
Có vẻ như dự án này sẽ không thể lập tức giúp giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng xuất mà châu Âu phải đối mặt, khởi phát từ xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, ông Gordon Birrell, giám đốc điều hành dự án do BP là nhà đồng sở hữu, cho biết việc đưa vào vận hành khai thác “thật không thể đúng lúc hơn”, khi mà châu Âu tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga.
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã rốt ráo thực hiện các chuyến thăm tới Na Uy, Qatar, Azerbaijan và đặc biệt là nhiều nước ở Bắc Phi – nơi Algeria đang vận hành một tuyến đường ống dẫn khí đốt tới Italy và Tây Ban Nha. Hồi tháng 7 vừa qua, Italy ký thỏa thuận khí đốt trị giá 4 tỉ USD với Algeria. Trước đó một tháng, Ai Cập cũng ký thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) và Israel về tăng sản lượng xuất khẩu LNG. Italy cũng ký thỏa thuận với Angola.
Những thách thức ở phía trước
Châu Phi có trữ lượng khí tự nhiên dồi dào, một số nước Bắc Phi như Algeria đã mở các tuyến đường ống kết nối với châu Âu. Tuy nhiên, hạ tầng yếu kém cùng với những thách thức an ninh là nhân tố khiến các nhà sản xuất tại châu lục do dự tăng sản lượng xuất khẩu. Đơn cử, Nigeria có tiềm năng khí đốt đứng đầu châu Phi. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu LNG của nước này mới chỉ chiếm khoảng 14% mức nhập khẩu của EU.
Một số dự án khác đối diện với nguy cơ mất cắp năng lượng, chi phí cao. Những quốc gia có triển vọng như Mozambique – nước đã phát hiện được trữ lượng lớn khí đốt, rơi vào tình cảnh dự án bị kéo dài, do xung đột bạo lực đến từ các nhóm vũ trang.
Một số nhà lãnh đạo châu phi như Tổng thống Senegal Macky Sall muốn mở rộng đầu tư vào các dự án khai thác khí đốt. Nhưng những nước này cũng không muốn khai thác để xuất khẩu, khi mà vẫn có tới 600 triệu người dân châu Phi đang rơi vào tình cảnh thiếu điện.
Algeria là một nhà cung cấp khí đốt lớn. Nước này cùng với Ai Cập chiếm khoảng 60% sản lượng khí đốt khai thác tại châu Phi trong năm 2020. Nhưng theo giáo sư Mahfoud Kaoubi thuộc Đại học Algiers, Algeria cũng không thể bù đắp lượng khí đốt của Nga cấp cho châu Âu ở giai đoạn hiện tại. Sản lượng hàng năm của Nga là 270 tỉ m3, trong khi mức sản lượng đó với Algeria là 120 tỉ m3 và 70,50% trong số này là để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Tại Nigeria, những kế hoạch tham vọng vẫn chưa thể mang lại kết quả thực tế. Trong năm 2021, quốc gia này mới chỉ xuất khẩu chưa đến 1% nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên. Tuyến đường ống đề xuất dài 4.400 km vận chuyển khí đốt từ Nga tới Algeria qua Niger bị ách lại từ năm 2009, chủ yếu là do mức chi phí cao, lên tới 13 tỉ USD.
Nhiều người e ngại ngay cả khi hoàn tất, dự án có tên gọi Đường ống khi đốt Xuyên Sahara này sẽ đối mặt với nguy cơ an ninh, tương tự như với các tuyến đường ống dẫn dầu ở Nigeria – nơi thường xuyên chịu các đợt tấn công từ các nhóm vũ trang và nạn trộm cắp dầu.