“Báo Độc lập” (Nga) mới đây cho rằng vai trò “độc tôn” của Nga trong việc cung cấp khí đốt cho châu Âu đang dần mất đi. Nga cần sớm chuẩn bị cho viễn cảnh không mấy dễ chịu này, nhất là vào khoảng cuối năm 2018, khi Liên minh châu Âu (EU) có thể nhận được những khối khí đốt đầu tiên do Azerbaijan cung cấp.Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố một tài liệu chính thức của dự án “Shah Deniz -2”, trong đó nêu rõ rằng người tiêu dùng châu Âu sẽ nhận được khí đốt của Azerbaijan từ cuối năm 2018 (theo chế độ vận hành thử và chính thức đi vào hoạt động sau đó một năm). Tài liệu cũng nêu rõ Hành lang khí đốt phương Nam, được lắp đặt không đi qua Nga, kết nối với Tuyến đường ống dẫn khí Trans-Anatolian (TANAP), đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, và xuyên biển Adriatic (TAP), thông qua Hy Lạp, Bulgaria và Albania đến Italy.
Dự án tìm nguồn cung mới không phải Nga của các khách hàng châu Âu được ký kết hồi trung tuần tháng 12/2013, tại thủ đô Baku của Azerbaijan. Các bên tham gia dự án khí đốt Shah Deniz -2 trị giá 28 tỷ USD này gồm: Công ty dầu mỏ nhà nước SOCAR của Azerbaijan, cùng các đối tác như BP (Anh), Statoil (Na Uy) và Total (Pháp). Được biết, để thúc đẩy tiến trình này nhằm thoát khỏi tình thế phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung khí đốt từ Nga, EC cũng đóng góp một phần đáng kể nguồn vốn thiết kế của dự án này, vào khoảng 22,5 tỷ USD.
Theo kế hoạch, thông qua các tuyến đường ống TAP nói trên, từ năm 2019, các chủ đầu tư dự án sẽ đảm bảo cung cấp mỗi năm khoảng 16 tỷ m3 khí đốt từ Azerbaijan cho các nước châu Âu như: Italy (8 tỷ m3), Hy Lạp và Bulgaria (1 tỷ m3 mỗi nước), cùng 6 tỷ m3 cho Thổ Nhĩ Kỳ và Gruzia. Khi tuyến đường ống được vận hành đúng công suất thiết kế, lượng khí đốt cung cấp cho khách hàng châu Âu có thể tăng thành 20 tỷ m3/năm.
Trước đó, vào khoảng cuối năm 2018, các nhà thầu có thể vận hành cung cấp thử khí đốt cho khách hàng châu Âu. Khoảng 62,5% lượng khí đốt dự kiến sẽ được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Việc xuất khẩu khí đốt của Azerbaijan đến Bulgaria (nước vốn vẫn phụ thuộc 100% vào lượng khí đốt từ Nga) đã được các bên quyết định thực hiện bằng cách kết nối hệ thống đường ống ở đất nước này với Hy Lạp và việc cung cấp khí đốt từ Azerbaijan sang quốc gia này sẽ bắt đầu vào năm 2016. Sofia đặc biệt kỳ vọng vào nguồn cung mới này, đồng thời cũng hy vọng có thể tăng ngân sách quốc gia nhờ trung chuyển khí đốt sang châu Âu.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Alieyv khẳng định khi dự án đi vào vận hành, chắc chắn sẽ góp phần thay đổi “bản đồ năng lượng” trong khu vực và châu Âu. Đây cũng là một “dấu chấm than” đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách Nga cần lưu ý.
Dự án TAP sẽ được khởi công vào cuối năm 2014 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018, vận hành thử 1 năm để tăng dần công suất đạt tới mức thiết kế. Cụ thể, công suất thiết kế của tuyến TAP, có độ dài 800 km, có thể tăng công suất vận chuyển từ 10 tỷ m3 khí đốt/năm lên 20 tỷ m3/năm.
TAP là một phần của dự án Hành lang khí đốt phương Nam do EU khởi xướng, có thể vận chuyển khối lượng đáng kể khí đốt từ khu vực Caspi tới châu Âu thông qua một mạng lưới các đường ống dẫn không đi qua Nga.
Quế Anh (
P/v TTXVN tại Nga)