Cho dù kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về độc lập tại Scotland trong tuần này ra sao thì châu Âu cũng sẽ thay đổi bởi sức mạnh của các nước "già" đang suy giảm.
Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown phát biểu trong cuộc vận động nói "Không" với độc lập ngày 17/9 tại Glasgow, Scotland. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nếu người Scotland bỏ phiếu "Có" ủng hộ việc tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland sau 307 năm tham gia liên hiệp này, thì việc này sẽ gây ra một "trận động đất chính trị" và kích động mong muốn giành quyền tự trị ở nhiều nơi, từ Catalonia (Tây Ban Nha) tới Flanders (Bỉ). Nếu người Scotland bỏ phiếu "Không", chính quyền Anh cam kết sẽ chuyển giao thêm quyền lực cho Edinburgh và điều này chắc chắn sẽ khiến Wales và Bắc Ireland đòi hỏi điều tương tự. Cho dù trường hợp nào xảy ra thì tiền lệ tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết sẽ lan ra khắp châu lục này.
Chính quyền Tây Ban Nha có thể sẽ khó chống lại sức ép của dư luận tại Catalonia và cho phép khu vực giàu có gồm 7,4 triệu dân ở phía Đông Bắc này tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập. Tuần trước, hàng trăm nghìn người Catalonia đã đổ xuống đường phố ở thủ phủ Barcelona để yêu cầu quyền được lựa chọn.
Chiến tranh Lạnh đã không làm thay đổi bản đồ châu Âu trong một thế hệ. Tuy nhiên, kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, các quốc gia mới xuất hiện, các quốc gia cũ hồi sinh. Quá trình này gây đổ máu tại Balkans song lại diễn ra khá êm ả tại vùng Baltic. Ở nhiều nước châu Âu, nhiều vùng lãnh thổ giành được thêm quyền lực gây bất lợi cho chính quyền trung ương.
Toàn cầu hóa và sự hội nhập Liên minh châu Âu (EU) là một trong những lý do gây ra cuộc xung đột giữa các lực lượng đòi phân quyền và các lực lượng muốn tập trung quyền lực, và cuộc xung đột này còn lâu mới được giải quyết.
Các quốc gia từng xung đột với nhau trong nhiều thế kỷ hiện đang dùng chung một loại tiền tệ, liên kết với nhau thành một khu vực đi lại tự do không cần hộ chiếu, cùng nhau chia sẻ một thị trường chung với dòng vốn, hàng hóa và dịch vụ được tự do chảy và có những tiêu chuẩn chung. Những người theo chủ nghĩa dân tộc cảm thấy khó có thể chấp nhận được điều này và điều đó đã được thể hiện trong cuộc bầu cử Nghị viên châu Âu vừa qua khi những đảng phái có tư tưởng chống EU tại Anh, Pháp, Áo và Hà Lan giành được một số phiếu lớn.
Các nước châu Âu hiện đã trở thành “các quốc gia hậu hiện đại” – những nước tự do chia sẻ một phần chủ quyền của mình - như lời của cựu quan chức ngoại giao của Anh và EU Robert Cooper. Trong cuốn sách “The Breaking of Nations” xuất bản năm 2003, ông viết: “EU là một hệ thống đã được phát triển tới mức độ cao để các nước có thể can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau, thậm chí cả những vấn đề như bia và xúc xích”. Điều này khiến vấn đề biên giới quốc gia trở nên ít quan trọng.
Phong trào đòi độc lập tại Scotland và Catalonia muốn thoát khỏi “xiềng xích” của các “chính quyền trung ương”. Họ muốn có ghế riêng tại EU, xóa bỏ vai trò trung gian của London và Madrid.
Cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra năm 2008 đã thúc đẩy cả lực lượng ủng hộ tập trung quyền lực và lực lượng ủng hộ sự phân quyền tại châu Âu. Nó làm trầm trọng thêm cuộc xung đột giữa các khu vực giàu và nghèo, ví dụ như vùng Flanders nói tiếng Hà Lan và vùng Wallonia nói tiếng Pháp ở Bỉ, và điều tương tự cũng diễn ra tại Italy và Đức. Bang Bavaria và Hesse giàu có của nước Đức không còn muốn trợ cấp cho các bang nghèo hơn ở miền Đông và miền Bắc. Miền Bắc giàu có của Italy cũng đã chán ghét việc phải chịu gánh nặng tài chính cho khu vực Mezzogiorno ở miền Nam. Nhiều cử tri tại Scotland và Catalonia đã trở thành những người ủng hộ ly khai một phần là nhằm phản đối các chính sách “thắt lưng buộc bụng” của “chính quyền trung ương”.
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 cũng làm mạnh thêm các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc, ví dụ như Đảng Độc lập Vương quốc Anh, Mặt trận Dân tộc Pháp và các đảng Tự do Hà Lan và Áo – những đảng muốn rút khỏi EU và xây dựng lại các đường biên giới quốc gia để hạn chế người nhập cư và hàng hóa nhập khẩu.
Trong bối cảnh có thêm 6 quốc gia ở vùng Balkans muốn gia nhập EU và khả năng nhiều nước thành viên hiện tại sẽ ra khỏi liên minh này, một số chuyên gia lo ngại rằng EU có thể sẽ trở nên không thể quản lý nổi. Nicolas Levrat, một chuyên gia luật quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Geneva, cho rằng việc ngày càng có thêm nhiều nước nhỏ khiến EU phải cải cách. Ông nói: “Việc có thêm các nước mới sẽ buộc EU phải thay đổi quy chế đại diện của các nước trong các cơ quan của EU”.
TTK (Theo Reuters)