Bất chấp hiện vẫn đang mắc kẹt tại Nga và chưa tìm ra lối thoát khi bị chính quyền Mỹ truy lùng gắt gao, "kẻ lộ tin mật" Edward Snowden tiếp tục tiết lộ những bí mật chấn động về chương trình giám sát gây tranh cãi của Mỹ.Những người biểu tình tại Đức mang mặt nạ hình Edward Snowden. Ảnh: Internet. |
Trong bài phỏng vấn đăng tải ngày 7/7 trên tuần báo "Der Spiegel" của Đức, Snowden cho biết chương trình theo dõi Internet của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) được tiến hành toàn cầu với sự hợp tác của nhiều cường quốc phương Tây, những quốc gia vẫn đang phản đối gay gắt chương trình trên. Đây là những bình luận mà Snowden đưa ra từ trước đó.
Theo những gì Snowden tiết lộ mới được "Der Spiegel" đăng tải, một cơ quan tên gọi Ban Ngoại vụ trực thuộc NSA làm nhiệm vụ điều phối công tác do thám thông tin giữa NSA và các cơ quan tình báo nước ngoài, cụ thể là các nước châu Âu. Quá trình hợp tác này được tổ chức cẩn mật và tạo điều kiện để chính quyền các nước có thể bảo vệ giới lãnh đạo tránh khỏi rắc rối trong trường hợp hành vi "vi phạm quyền cá nhân trên phạm vi toàn cầu" này bị đưa ra ngoài ánh sáng.
Tiết lộ trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Mỹ trước thông tin NSA đã cài đặt thiết bị nghe trộm tại các văn phòng ngoại giao của EU ở Mỹ và Brussels, Bỉ. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho rằng việc Mỹ theo dõi những nước bạn bè và đồng minh là việc làm vượt quá giới hạn cho phép. Chính phủ Đức tuyên bố chương trình nghe lén của NSA là điều "không thể chấp nhận" trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande mô tả hành động của Mỹ là "không thể tha thứ" và có thể cản trở mối quan hệ của Mỹ với Pháp nói riêng và EU nói chung.
Trong khi đó́, người đã tiết lộ các bí mật tình báo "động trời" của Mỹ được cho là đang ẩn náu ở khu quá cảnh của sân bay Sheremetyevo tại Moscow, Nga và đã xin tị nạn chính trị tại 27 nước, trong đó có 6 nước Mỹ Latinh là Bolivia, Brazin, Cuba, Ecuado, Nicaragoa và Venezuela. Chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ chối đề nghị yêu cầu dẫn độ Snowden về nước của Washington song lên tiếng hối thúc nhân vật này rời khỏi Nga sớm nhất có thể.
Ngày 6/7, nguồn tin từ Venezuela cho biết nước này hiện không liên lạc được với Snowden một ngày sau khi Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đề nghị cho Snowden tị nạn. Tổng thống Bolivia Evo Morales cùng ngày cũng cho biết nếu được yêu cầu, ông sẽ cho phép cựu nhân viên CIA tị nạn nhân đạo. Tính đến nay đã có ba nước Mỹ Latinh là Venezuela, Bolivia và Nicaragoa lên tiếng sẵn sàng cấp quy chế tị nạn nhân đạo cho Snowden.
Tuy nhiên, nếu lựa chọn điểm đến là một trong ba nước trên, hành trình của Snowden sẽ khó có thể tránh khỏi trở ngại khi tuyến đường bay duy nhất nối từ sân bay Seremenchevo tới Mỹ Latinh là quá cảnh qua Cuba. Quốc đảo Caribê này đến nay vẫn lựa chọn đứng ngoài cuộc và không đưa ra bất cứ dấu hiệu nào về việc sẵn lòng tiếp nhận tại sân bay của mình nhân vật đang chạy trốn sự truy lùng của Washington.
Bên cạnh đó, cuộc đào thoát của Snowden còn đối mặt với nguy cơ bị chặn bởi các quốc gia châu Âu, tương tự như trường hợp đã xảy ra với chuyên cơ của Tổng thổng Bolivia hồi đầu tuần này. Giới chuyên gia nhận định việc Snowden chần chừ không khởi hành tới điểm đến tiếp theo còn có thể bởi sau khi chính quyền Mỹ hủy bỏ hộ chiếu, nhân vật này không có đủ giấy tờ hợp lệ để được phép lên máy bay.
TTG