Nếu các kết quả thử nghiệm cho hiệu quả, Sanofi và GSK hy vọng vaccine sẽ được cấp phép trong nửa đầu năm 2021.
Hiện vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm nghiên cứu để đánh giá độ an toàn, thời gian phát huy tác dụng và phản ứng miễn dịch ở 440 tình nguyện viên trưởng thành khỏe mạnh ở 11 địa điểm tại Mỹ.
Loại vaccine này sử dụng cùng một công nghệ tái tổ hợp protein giống công nghệ từng được sử dụng để phát triển một loại vaccine phòng cúm mùa của Sanofi. Đây là sản phẩm kết hợp công nghệ của Sanofi với một loại tá dược do GSK sản xuất. Hai công ty này cũng đang mở rộng năng lực sản xuất để chuẩn bị sẵn sàng cho việc sản xuất khoảng 1 tỷ liều vaccine này vào năm 2021.
Hiện các hãng dược và các cơ quan chính phủ trên toàn thế giới đang nỗ lực phát triển những loại vaccine phòng bệnh và các biện pháp điều trị COVID-19, căn bệnh đã khiến trên 860.000 người trên thế giới tử vong và làm đình trệ các hoạt động kinh tế toàn cầu. Ngoài vaccine của Sanofi và GSK, có một số vaccine khác đã đến giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên quy mô lớn.
Tuy nhiên, 2 hãng dược của Pháp và Anh tự tin họ đang có lợi thế hơn nhờ những kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực nghiên cứu vaccine. Sanofi và GSK cũng đã ký các thỏa thuận cung cấp vaccine kết hợp tá dược cho Mỹ và Anh và hiện trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với Liên minh châu Âu (EU) để cung cấp tối đa 300 triệu liều vaccine cho khối này.
Ngoài ra, 2 hãng trên cũng lên kế hoạch cung cấp vaccine cho COVAX, một kế hoạch phân bổ vaccine và thuốc điều trị bệnh COVID-19 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng chỉ đạo, giúp mua và phân bổ vaccine trên toàn cầu.
Khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp mà chưa có dấu hiệu được kiểm soát chặt chẽ, việc có được những vaccine phòng bệnh hiệu quả trở thành một ưu tiên hàng đầu trên thế giới và được coi như một giải pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, khi đã tìm được những vaccine phòng bệnh hiệu quả, một bài toán khác đặt ra là làm sao để có thể phân bổ rộng rãi những vaccine này với mức chi phí vừa phải, để mọi người dân trên thế giới đều có cơ hội tiếp cận "vũ khí" phòng bệnh.
COVAX được coi là một nỗ lực toàn cầu nhằm tìm lời giải cho bài toán này. Mặc dù vậy, việc thực hiện kế hoạch có thể gặp khó khăn nếu không có sự cam kết từ các nước lớn và giàu có trên thế giới. WHO cho biết đã có 76 quốc gia giàu có trên thế giới cam kết tham gia kế hoạch COVAX. Tuy nhiên, ngày 1/9, Mỹ gây lo ngại với thông báo sẽ không tham gia kế hoạch COVAX do chính quyền của Tổng thống Donald Trump phản đối WHO.
Mới đây, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) John Nkengasong đã kêu gọi tất cả các nước tham gia kế hoạch COVAX. Theo lãnh đạo CDC châu Phi, tất cả các quốc gia đều phải đương đầu với cuộc chiến chống COVID-19 và nhấn mạnh sẽ không có quốc gia nào được an toàn nếu vẫn còn những ca bệnh COVID-19 ở các quốc gia khác.