Tuyên bố nhấn mạnh đây là một dấu hiệu về cam kết của các nước đối với thỏa thuận hạt nhân ký với Iran năm 2015 có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Sau cuộc gặp với những người đồng cấp Liên minh châu Âu (EU) tại Bucharest, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói: "Đó là một hành động mang tính chính trị và nhằm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nhấn mạnh ba nước nêu trên đã phối hợp chặt chẽ với Tehran để hoàn tất công tác chuẩn bị để tạo thuận lợi cho việc giao thương các mặt hàng dược phẩm, nông nghiệp, tiêu dùng cũng như hoạt động nhân đạo. Ông nói: "việc đăng ký là một bước đi lớn, song vẫn còn nhiều việc phải làm".
Trước đó cùng ngày, Đức, Pháp và Anh đã chính thức thành lập Phương tiện Phục vụ mục đích đặc biệt (SPV) nhằm hỗ trợ cho trao đổi thương mại không sử dụng đồng USD với Iran đồng thời tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Theo Đài Phát thanh và truyền hình NDR của Đức, công cụ mới này của châu Âu sẽ được đặt tên là INSTEX nhằm hỗ trợ hoạt động trao đổi thương mại. Cơ chế này sẽ được sử dụng trong các giao dịch nhỏ với Iran liên quan tới lương thực, dược phẩm và nhân đạo, không sử dụng trong các giao dịch liên quan tới dầu mỏ - lĩnh vực của Iran vốn chịu nhiều thiệt hại do các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây ra.
Mặc dù, cơ chế này không thể giúp khôi phục thương mại với Iran, song một nhà ngoại giao châu Âu nhận định đây là một thông điệp chính trị quan trọng tới Iran rằng châu Âu quyết tâm cứu thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) và tới Mỹ rằng châu Âu bảo vệ lợi ích của mình bất chấp việc Mỹ áp đặt trừng phạt Iran.
Trong một phản ứng đầu tiên, Iran đã hoan nghênh quyết định mới này của Đức, Anh và Pháp, cho rằng đây là bước đi đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) trong việc thực hiện các cam kết của liên minh đối với thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề chính trị Abbas Araqchi nhấn mạnh cơ chế trao đổi thương mại mới với Iran là bước đầu tiên được phía châu Âu thực hiện. Ông bày tỏ hy vọng cơ chế này sẽ được áp dụng đối với mọi danh mục và hàng hóa.
Về phần mình, sau khi quyết định trên được thông báo, cùng ngày một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington không muốn SPV của EU ảnh hưởng đến việc gây sức ép kinh tế tối đa đối với Tehran.
Quan chức trên nhấn mạnh Bộ Ngoại giao Mỹ đang theo dõi sát sao thông tin về SPV để nắm được cơ chế hoạt động. Theo quan chức này, các thực thể tham gia hoạt động nằm trong diện bị trừng phạt của Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ mất đi quyền tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ, cũng như khả năng làm ăn với các công ty Mỹ.
Hiện năm nước thành viên EU có trao đổi thương mại lớn nhất với Iran bao gồm Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Hy Lạp. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Iran sang thị trường EU bao gồm nhiên liệu hóa thạch, dầu mỏ, khoáng sản và sắt thép, trái cây… Trong khi đó, các mặt hàng Iran nhập khẩu chính từ EU gồm lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy móc, thiết bị cơ khí và các bộ phận, máy móc và thiết bị điện.
Trong các tháng 1-9/2018, Iran đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 8,3 tỷ euro (9,47 tỷ USD) tới các nước thành viên EU, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Còn nhập khẩu của Iran từ EU trong cùng giai đoạn trên giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, ở mức hơn 6,59 tỷ euro (7,52 tỷ USD).
Trước đó, vào tháng 5/2018, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, theo đó đưa hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran. Washington cũng đang tìm cách cô lập Tehran, bất chấp sự phản đối của nhiều đồng minh châu Âu.